Thứ 3, 30/07/2024, 05:21[GMT+7]

Thái Thụy: Tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển

Thứ 2, 14/10/2019 | 09:51:44
6,564 lượt xem
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thái Thụy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục khó khăn, tập trung thu hút nguồn lực để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của biển. Từ đó, từng bước phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Huyện Thái Thụy có 27km đường bờ biển, hàng chục nghìn héc-ta bãi triều, hàng nghìn héc-ta rừng ngập mặn, nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư xây dựng tạo ra lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của huyện. Bởi vậy, những năm qua huyện Thái Thụy luôn xác định trọng tâm phát triển kinh tế biển là hướng đột phá của địa phương. Thực tế cho thấy hướng đi này là sự lựa chọn đúng đắn của huyện ven biển Thái Thụy.


Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Để phát triển kinh tế biển, vùng ven biển, ngày 10/10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã ban hành Nghị quyết số 01 về tăng cường công tác lãnh đạo, chủ động huy động các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển, ven biển của huyện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu, đến năm 2020 đưa kinh tế biển phát triển bền vững, thực hiện quy hoạch, xây dựng kết cấu, hạ tầng ven biển, thực hiện dự án quai đê lấn biển và xây dựng kè chắn cát cảng Diêm Điền để tạo quỹ đất phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị ven biển; giá trị sản xuất ở các xã ven biển tăng bình quân từ 9 - 10%/năm. UBND huyện ban hành, triển khai kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 01, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tạo đà phát triển và hình thành các trung tâm kinh tế trọng điểm; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phát triển kinh tế biển, ven biển...  


Công ty TNHH Phương Nam (xã Thái Thượng) là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện áp dụng mô hình sản xuất tôm sú giống và nuôi tôm công nghệ cao. Nhận thấy sự phát triển nhanh về diện tích nuôi tôm tại địa phương, năm 2001, Công ty đã thuê hơn 9.000m2 đất bãi bồi ven biển thuộc xã Thái Thượng để xây dựng trại sản xuất tôm sú giống. Hàng năm, sản xuất từ 25 - 30 triệu con tôm sú giống, kích cỡ P15 để cung cấp cho người nuôi tôm. Không dừng lại ở đó, năm 2010, Công ty tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà bạt. Mô hình này đã tạo ra một bước đi mới không chỉ riêng cho Công ty mà còn cho cả huyện Thái Thụy trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ bởi mang lại giá trị kinh tế tới hàng tỷ đồng/ha cho người nuôi tôm. Anh Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nam cho biết: Sau thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao, năm 2017, Công ty tiếp tục đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao với diện tích 5ha tại vùng đất bãi bồi ven biển thuộc xã Thái Thượng. Dự kiến, năm 2019, Công ty thả trên 30 triệu con tôm giống, sản lượng đạt trên 300 tấn, doanh thu ước đạt từ 40 - 50 tỷ đồng.

Cảng cá Tân Sơn (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) nhộn nhịp mua bán hải sản.


Hiện nay, huyện Thái Thụy đã hình thành được các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt trên 4.300ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 55.328 tấn, giá trị đạt gần 550 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích gần 100ha/năm theo mô hình liên kết với doanh nghiệp nuôi từ 3 - 4 vụ/năm, năng suất đạt từ 10 - 15 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 15 - 18 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/vụ. Khai thác hải sản được duy trì, phát triển mạnh với 520 tàu thuyền lớn, tổng công suất  93.612CV với 1.714 lao động. Sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 50.000 tấn/năm, giá trị đạt hơn 500 tỷ đồng.


Lĩnh vực công nghiệp, chế biến thủy hải sản, thương mại, dịch vụ tại các địa phương ven biển có bước phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn từ năm 2015 – 2020, giá trị sản xuất công  nghiệp của 6 xã, thị trấn ven biển đạt hơn 5.481 tỷ đồng, đạt 33,2% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9,5%/năm; giá trị thương mại, dịch vụ đạt hơn 8.041 tỷ đồng, đạt 38,6% giá trị thương mại, dịch vụ của toàn huyện, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 8,3%/năm. Trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp đóng tàu, gồm: Công ty Cổ phần Đại Dương và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Diêm Điền đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện từ 800 - 1.000 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động với mức lương từ 5 - 6,5 triệu đồng/tháng. Về lĩnh vực thương mại, dịch vụ có kho xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với sức chứa 18.000m3, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng đồng thời tham gia điều tiết thị trường, bình ổn giá xăng dầu khi thị trường có biến động. Toàn huyện hiện có 200 doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có 155 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 200 phương tiện, tổng trọng tải đội tàu khoảng 800.000 tấn, chiếm hơn 10% phương tiện vận tải biển của toàn quốc. Hàng năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước chiếm 60% tổng số thuế của cả huyện, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Chế biến thủy sản phát triển tương đối phong phú, đa dạng cả về chủng loại, hình thức và quy mô, tạo việc làm cho 1.000 lao động với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường trên toàn quốc như nước mắm, cá mai khô, nộm sứa, chả cá, chả tôm...


Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn gắn với phát triển du lịch sinh thái cũng được địa phương chú trọng. Toàn huyện có gần 3.000ha rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai và tạo tiền đề để phát triển du lịch sinh thái. Trong huyện có khu du lịch sinh thái cồn Đen (xã Thái Đô) và khu rừng ngập mặn xã Thụy Trường hàng năm thu hút được hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.


Hiện nay, huyện Thái Thụy đang đón nhận thêm những cơ hội, tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, vùng ven biển. Trên địa bàn huyện có 15 xã, thị trấn nằm trong khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập năm 2017; tuyến đường bộ ven biển Thái Bình đi qua địa bàn với 11,64km đang được đầu tư xây dựng nhằm kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ, mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trần Tuấn

  • Từ khóa