Thứ 2, 29/07/2024, 13:31[GMT+7]

Chậm thời vụ và sâu bệnh- Thách thức trong sản xuất vụ mùa năm 2012

Thứ 3, 22/05/2012 | 15:40:51
1,825 lượt xem
Vụ mùa năm 2012 được dự báo là vụ gặp thách thức về lịch thời vụ, sâu bệnh và thời tiết diễn biến phức tạp. Để khắc phục những khó khăn trên, theo chủ trương của tỉnh khi xây dựng kế hoạch sản xuất các địa phương phải bảo đảm an toàn, hợp lý, nhất là trong mối quan hệ móc xích, vụ trước là tiền đề của vụ sau; lấy hiệu quả tổng thể của các vụ làm mục tiêu để bố trí kế hoạch sản xuất.

Nông dân xã Song An Vũ Thư xuống giống dưa vụ hè trên diện tích lúa xuân trà sớm.

Đến nay, lúa xuân đang bước vào giai đoạn trỗ bông tập trung, như vậy bà con nông dân lại chuẩn bị có những ngày bận mải, vừa phải thu hoạch lúa xuân, cây màu xuân hè và thực hiện sản xuất lúa vụ mùa. Tuy nhiên, vụ lúa xuân có khả năng thu hoạch muộn hơn  so với trung bình nhiều năm khoảng 7 ngày. Đây là áp lực rất lớn bởi không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, giá trị cây trồng mà cả việc gắn kết mùa vụ trong năm. Ngoài ra, các đối tượng sâu bệnh gây hại cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp. Để khắc phục những khó khăn đã hiện hữu, quyết tâm giành thắng lợi ở vụ mùa, các địa phương cần chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ về mọi mặt để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy và bảo vệ an toàn cho lúa khỏi sâu bệnh.

Bài học về sản xuất vụ mùa năm 2011 còn đó, rét đậm, rét hại đầu vụ xuân làm lúa xuân thu hoạch muộn hơn so với vụ xuân trước đó 10 -15 ngày đã ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa. Và những hệ luỵ của việc chậm lịch thời vụ kéo theo đã được minh chứng rất rõ trong suốt quá trình sản xuất vụ lúa mùa. Điển hình là cuối vụ (tháng 9) liên tiếp có mưa lớn làm một số diện tích lúa bị đổ và bạc lá; diện tích lúa trỗ từ 2/9 đến 7/10 bị ảnh hưởng của cơn bão số 5 và không khí lạnh làm lúa chín chậm, rầy phát sinh, mất nhiều công phòng trừ, hạt lúa đen, tỷ lệ lép cao; cùng đó là làm chậm thời vụ gieo trồng cây vụ đông ưa ấm, vì vậy một số địa phương đã không đạt kế hoạch về diện tích.

 

Nông dân xã Đông Cơ (Tiền Hải) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân cuối vụ.

Đồng thời khi gieo mạ mùa là thời điểm đang thu hoạch lúa xuân, thời gian cắt vụ không có, vì vậy cầu nối sâu bệnh được duy trì liên tục, nền nhiệt lại thuận lợi cho rầy lưng trắng, rầy xám và virus lùn sọc đen lan truyền. Trong khi đó các giống lúa chất lượng đều mẫn cảm với rầy và bệnh bạc lá.

Để khắc phục những khó khăn trên, theo chủ trương của tỉnh khi xây dựng kế hoạch sản xuất các địa phương phải bảo đảm an toàn, hợp lý, nhất là trong mối quan hệ móc xích, vụ trước là tiền đề của vụ sau; lấy hiệu quả tổng thể của các vụ làm mục tiêu để bố trí kế hoạch sản xuất. Vụ lúa mùa gieo cấy theo hướng mở rộng diện tích trà sớm, bảo đảm hợp lý giữa giống năng suất và chất lượng; quy hoạch mở rộng vùng lúa Nhật để tạo bước đột phá đối với sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời chủ động ứng phó, ngăn chặn hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại của bão, lũ, bệnh lùn sọc đen và các đối tượng sâu bệnh khác. Theo đó, mục tiêu toàn tỉnh gieo cấy là 82.500 ha, năng suất phấn đấu 62 tạ/ha trở lên; trong đó trà mùa sớm chiếm 35 – 40%, bằng các giống N87, N97, QR1, VTR, TBR1, TBR36..., trà đại trà 60 – 65% diện tích, gieo cấy bằng giống BC15, ĐS1, lúa lai Nam Dương 99, N.ưu 69.

Để bảo đảm chất lượng làm đất và gieo cấy đúng lịch thời vụ, các địa phương không để mất lấm trên ruộng lúc thu hoạch lúa xuân; khi thu hoạch phải nhanh, gọn và khẩn trương làm đất theo phương châm gặt đến đâu làm đất ngay đến đó; tăng cường sử dụng máy làm đất cỡ trung, cỡ lớn, cày lồng vùi rơm, rạ, đồng thời kết hợp sử dụng các chất làm phân huỷ rơm rạ nhanh, như Emic-YTB. Các vùng đất bố trí sau thu hoạch lúa mùa trồng cây vụ đông ưa ấm cần gieo bằng mạ nền, từ ngày 15/6 – 20/6, cấy khi mạ được 7 -10 ngày tuổi; mạ dược gieo thưa từ ngày 5/6 – 10/6, cấy khi mạ được 15 – 18 ngày  tuổi.

Đối với những địa phương không có quỹ đất gieo mạ mùa sớm phải chủ động tuyên truyền, vận động, tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân gieo mạ nền, hoặc thu hoạch trước một góc ruộng để gieo mạ trà sớm. Toàn bộ diện tích này phải cấy xong trước ngày 5/7, thu hoạch trước ngày 5/10. Những diện tích sau thu hoạch lúa mùa trồng cây vụ đông ưa lạnh, hoặc để ải, gieo mạ nền từ 20/6 – 10/7, cấy khi mạ được 7- 10 ngày tuổi; mạ dược gieo thưa từ ngày 15/6 – 5/7, cấy khi mạ được 15 – 18 ngày tuổi; kết thúc cấy trước ngày 25/7.

Đối với lúa gieo thẳng cần quy hoạch thành vùng, bảo đảm được tưới, tiêu, thời vụ gieo từ 20/6 – 25/6. Để lúa sau gieo cấy sinh trưởng, phát triển khoẻ mạnh, các địa phương cần hướng dẫn nông dân bón lót sâu, thúc sớm, cân đối NPK, không sử dụng đạm đơn; đồng thời sử dụng thêm các loại phân qua lá, vi lượng, phân hữu cơ vi sinh. Ngay từ khi gieo cấy phải chú trọng kiểm tra bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng di trú để có biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng...

Từ nay đến khi bắt tay vào sản xuất vụ mùa thời gian không còn nhiều, do đó các địa phương phải khẩn trương triển khai xong phương án sản xuất vụ mùa năm 2012 đến từng hộ nông dân. Đối với bà con nông dân cần sớm nắm được các chủ trương của địa phương mình đã đề ra để chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ, cũng như các biện pháp gieo mạ, làm đất, chăm sóc, bảo vệ lúa mùa đến hết vụ, góp phần bảo đảm thắng lợi không chỉ ở vụ mùa mà cả ở vụ đông.                                     

Bài: Nguyên Bình

Ảnh : Minh Đức 

  • Từ khóa