Thứ 3, 30/07/2024, 03:19[GMT+7]

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, bền vững (Kỳ 2)

Thứ 6, 08/11/2019 | 09:03:44
4,420 lượt xem
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ khi chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn còn những hạn chế, yếu kém.

80% HTX nông nghiệp làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm nhưng hiệu quả kinh tế, tính bền vững không cao.

Kỳ 2: “Bình mới, rượu cũ” còn nhiều

Trong quá trình hoạt động, các HTX còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập: đa số các HTX ít vốn để hoạt động, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất tuy đã được đầu tư nâng cấp song chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Mặc dù bình quân mỗi HTX nông nghiệp có trên 1.200 hộ thành viên nhưng vốn góp lại rất ít và chủ yếu thực hiện các dịch vụ đầu vào, số HTX làm dịch vụ đầu ra chưa nhiều, trong khi tiếp cận các nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn, do đó doanh thu tạo ra không cao, lợi nhuận thấp. Ngoài ra, năng lực, trình độ của phần lớn cán bộ quản lý, điều hành HTX còn hạn chế, chậm thích ứng với cơ chế thị trường, chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động, tổ chức sản xuất, kinh doanh; một số vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. 

Theo thống kê, 100% HTX thực hiện dịch vụ tưới, tiêu nước, 96,8% HTX có dịch vụ khoa học kỹ thuật, 95,6% HTX làm dịch vụ bảo vệ thực vật, 83% HTX làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, 80% HTX làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm và 8,6% HTX làm dịch vụ bảo quản giống kho lạnh. Các HTX chưa xây dựng được chuỗi liên kết hoặc liên kết kém bền vững, sức cạnh tranh kém. Tuy 80% HTX nông nghiệp làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm nhưng hiệu quả kinh tế, tính bền vững không cao, do đó chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa thành viên với thị trường. 

Ông Đỗ Duy Bằng, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng trung ương tại Thái Bình cho biết: Vụ xuân năm 2019, Công ty triển khai liên kết sản xuất ở hai huyện Hưng Hà, Đông Hưng với tổng diện tích trên 1.000ha, sản xuất lúa lương thực Thiên ưu 8. Mặc dù hợp đồng đã được triển khai, ký kết qua các HTX nông nghiệp, tuy nhiên, đến cuối vụ, chúng tôi gần như không thu mua được hạt thóc nào, người dân bảo quản, đợi đến lúc giáp hạt, giá thóc tăng cao mới mang bán. Qua đây cho thấy sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên còn rất mờ nhạt, chưa mang tinh thần hợp tác. Quá trình triển khai liên kết ở các HTX trong tỉnh, tôi nhận thấy nhiều HTX vẫn còn ngại đứng ra tổ chức sản xuất, kết nối doanh nghiệp với các thành viên. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết sản xuất cho các HTX chưa đủ mạnh để các HTX thực sự vào cuộc.

Sản xuất giống gia cầm tại tổ hợp tác chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Thoa Tuyết (xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy).

Trong 327 HTX nông nghiệp trong tỉnh có 12 HTX thành lập mới. Các HTX thành lập sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời có đặc thù khác các HTX chuyển đổi từ HTX kiểu cũ. Các HTX này số lượng thành viên ít hơn, tuy nhiên đã xây dựng và phát triển được sản phẩm chủ lực, hoạt động năng động, xây dựng kế hoạch kinh doanh rõ ràng, có chiến lược để phát triển sản phẩm... Tuy được kỳ vọng nhiều nhưng các HTX này cũng gặp không ít khó khăn. HTX Trường An (xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy) là một điển hình. Đi lên từ một tổ hợp tác do các hộ dân trồng tỏi liên kết lại, đến nay, HTX đã đầu tư máy làm tỏi đen, hình thành chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn đứng ra thu mua hành, tỏi của người dân bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh. 

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Giám đốc HTX cho biết: Khó khăn của HTX hiện nay là thiếu vốn để mở rộng sản xuất nhưng không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, thiếu quỹ đất để mở rộng sản xuất,... Sản phẩm của các HTX có chất lượng, bước đầu hình thành thương hiệu, trên sản phẩm có mã vạch, có chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên việc liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong xây dựng các tiêu chí HTX kiểu mới, khó khăn lớn nhất của các HTX chủ yếu là các chỉ số về kinh tế (doanh thu, lợi nhuận). Theo thống kê, trong các HTX nông nghiệp có 12 HTX có doanh thu trên 3 tỷ đồng, 28 HTX có doanh thu từ 2 - 3 tỷ đồng, 161 HTX có doanh thu từ 1 - 2 tỷ đồng, 82 HTX có doanh thu từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, 44 HTX có doanh thu dưới 500 triệu đồng. Con số trên cho thấy, số HTX theo đúng bản chất về HTX kiểu mới vẫn còn rất khiêm tốn, chủ yếu là các HTX đã năng động từ trước khi chuyển đổi. Nhiều HTX hoạt động theo luật cũ đã yếu kém và nay, sau một thời gian chuyển đổi vẫn chưa thể khá hơn, tình trạng chuyển đổi mang tính hình thức, “bình mới, rượu cũ” còn phổ biến.

(còn nữa)

Ngân Huyền

  • Từ khóa