Thứ 3, 30/07/2024, 03:19[GMT+7]

Chăn nuôi đại gia súc - Đường lớn đã mở

Thứ 2, 18/11/2019 | 09:13:43
2,969 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại không nhỏ đến ngành chăn nuôi của huyện Hưng Hà. Song đây cũng là cơ hội lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Trang trại chăn nuôi bò 3B và bò Úc ở xã Tân Hòa (Hưng Hà).

Tháng 2/2019, gia trại của gia đình ông Phạm Đình Dũng, thôn Tân Dân, xã Hòa Bình đã phải tiêu hủy hơn 2 tấn lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Để tận dụng chuồng nuôi, ông đã chuyển sang nuôi bò. Hiện ông đang có 12 con bò lớn nhỏ. Ông thấy nuôi bò hiệu quả và không vất vả, ít bệnh tật hơn nuôi lợn. Ông Dũng chia sẻ: Tôi bắt đầu nuôi lợn từ năm 2004, đến nay đã hơn 10 năm, sau mỗi lần nuôi lợn tôi thấy cũng có lãi song mỗi lần dịch bệnh số tiền lãi đó lại trở về con số không. Nhận thấy rơm rạ dư thừa nhiều, đây là nguồn thức ăn rất dinh dưỡng cho chăn nuôi bò nên thời gian tới tôi vẫn tiếp tục phát triển đàn bò.

Sau nhiều năm nuôi gà, nuôi lợn nhưng nhiều dịch bệnh, năm 2016, trong một lần xem truyền hình về nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Dương Văn Vĩnh, thôn Lưu Xá Bắc, xã Canh Tân đã cùng 2 người anh đầu tư gần 1 tỷ đồng mua trâu về vỗ béo. Cứ sau 3 - 4 tháng anh xuất chuồng một lứa thu lãi hơn 500 triệu đồng. 

Còn với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi gà, nuôi lợn bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Vị Giang, xã Chí Hòa thấu hiểu nỗi vất vả và những rủi ro, dịch bệnh. Gia đình bà Huệ đã chuyển đổi sang nuôi bò đực giống và bò sinh sản, từ ngày nuôi bò bà thấy đỡ vất vả hơn, ít bệnh tật mà bò nuôi đến đâu thương lái đến mua hết đến đó, nỗi lo bấp bênh về giá cả thị trường đã không còn như trước. Bà mong muốn mở rộng quy mô chuồng trại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Hưng Hà có diện tích đất tự nhiên lớn, 14 xã duyên giang được bao bọc bởi 3 sông lớn: sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, phù sa bồi đắp tạo thuận lợi phát triển vùng trồng cây lấy phụ phẩm cho ngành chăn nuôi như cây ngô, khoai, sắn hoặc hình thành các vùng trồng cỏ voi làm nguyên liệu để nuôi bò. Ngoài ra, hơn 11.000ha đất trồng lúa cũng là nguồn cung cấp thức ăn lớn cho trâu bò từ rơm rạ sau hai vụ lúa.

Để hạn chế chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ khó kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và năng suất, giá thành, đầu ra sản phẩm… thì chăn nuôi trâu, bò là giải pháp bền vững cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành như mở đường cho Hưng Hà phát triển chăn nuôi đại gia súc. Huyện Hưng Hà đã bám sát tinh thần của Nghị quyết tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo quy mô công nghiệp khép kín, tạo chuỗi liên kết, lấy mô hình trại “lõi” làm trung tâm. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trại “lõi” với quy mô từ 6.000 - 8.000 bò giống và nuôi vỗ béo từ 8.000 - 10.000 con, áp dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi như: thu gom, xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp, cung cấp đệm lót sinh học để xử lý môi trường, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò giống cao sản, chất lượng cao; thu mua trâu, bò thương phẩm của các tổ chức, hộ gia đình.

Bảo đảm yếu tố môi trường là vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm. Trang trại chăn nuôi bò đầu tiên và lớn nhất của huyện Hưng Hà là trại bò Việt Hùng thuộc Tập đoàn Hòa Phát tại xã Hồng Minh đi vào hoạt động từ năm 2016 đến nay đã mang lại nguồn thu nhập lớn và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Để xử lý vấn đề môi trường, trang trại vừa đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải. 

Ông Vũ Văn Kha, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Hùng cho biết: Vấn đề môi trường là vấn đề Công ty chú trọng đầu tư. Công ty đã xây dựng hệ thống lọc biophin để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn 1A62. Bên cạnh đó để xử lý vấn đề mùi hôi, hàng tháng Công ty đầu tư 300 triệu đồng mua phụ chế phẩm vi sinh cộng với đệm lót sinh học.

Cũng trên cơ sở Nghị quyết số 07, huyện Hưng Hà phấn đấu đến năm 2020 có 16.000 con trâu, bò, năm 2025 có 38.000 con. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Hưng Hà khuyến khích các hộ có điều kiện về đất đai, chuồng trại, vốn, kỹ thuật, nhất là những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi, những hộ bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi chuyển đổi sang nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết, không khuyến khích phát triển chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, mà từng bước hình thành các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung an toàn sinh học, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại và công nghiệp. Từng bước tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát, an toàn và bền vững... Đây là hướng đi cho chăn nuôi đại gia súc của huyện Hưng Hà và để tạo sinh kế, hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Huyện ủy, UBND huyện Hưng Hà xác định đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để phát triển chăn nuôi theo hướng mới bù lại thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra. Phấn đấu đến năm 2025, đàn trâu, bò có từ 35.000 -  38.000 con.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà

Huyện Hưng Hà thực hiện Nghị quyết số 07 với một số thuận lợi: Kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò của người chăn nuôi đã cải thiện một bước, hệ thống vùng bãi với hơn 1.500ha là vùng nguyên liệu dồi dào để trồng các cây nguyên liệu phục vụ chăn nuôi đàn trâu, bò. Mỗi một vụ huyện Hưng Hà có trên 10.000ha cấy lúa, tổng cả năm có khoảng 22.000ha, những sản phẩm dư thừa từ sản xuất lúa như rơm rạ là một phần nguyên liệu để cung cấp phát triển đàn trâu, bò.


Trúc Lành
(Đài TTTH Hưng Hà)

  • Từ khóa