Thứ 2, 29/07/2024, 11:35[GMT+7]

Hồng Lý Khi “cơn bão” dịch bệnh đi qua

Thứ 6, 25/05/2012 | 15:31:20
1,346 lượt xem
Chúng tôi về Hồng Lý (Vũ Thư) vào những ngày đầu hạ, bất chợt những cơn mưa rào đổ xuống cũng không xua tan được cái nắng nóng, mà còn tạo thêm không khí oi nồng khó chịu. Tại phòng làm việc, Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Hoàn khi biết chúng tôi về xã lần này để phản ánh tình hình tái đàn của những hộ chăn nuôi trong xã đã dốc bầu tâm sự. Anh cho biết, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã rất trăn trở, tìm nhiều giải pháp để đưa chăn nuôi phát triển trở lại sau khi dịch bệnh lở mồm l&

Gia trại chăn nuôi của một hộ nông dân tại thôn Thượng Hộ Nam xã Hồng Lý

Niềm vui chưa trọn vẹn

Là xã duyên giang, người dân nơi đây chăm chỉ cần cù, hăng say lao động,  chủ yếu canh tác trên vùng đất bãi, trồng màu, nuôi tằm và chăn nuôi. Nghề chăn nuôi mấy năm gần đây phát triển nhanh chóng. Kinh tế VAC là nguồn thu nhập chính của đại bộ phận nhân dân trong xã. Có những thời điểm giá lợn tăng cao, thị trường tiêu thụ mạnh, người chăn nuôi lãi lớn và rất phấn khởi. Không có niềm vui nào hơn khi sức lao động đã đem lại thành quả, giúp họ vơi đi những ngày tháng vất vả chăm sóc những chú “trư” của mình. Nhưng niềm vui mang đến chưa lâu, thì “cơn bão” dịch đã tràn về.

Ngày 22/1/2012, đàn lợn của một số hộ thôn Phú Mỹ có hiện tượng một số con bỏ ăn, có triệu chứng thần kinh, chết rất nhanh. Trạm thú y huyện về xã lấy mẫu bệnh phẩm đã xác định lợn bị lở mồm long móng. Từ một hộ ban đầu, dịch lây lan ra đàn gia súc của 122 hộ ở 5/6 thôn với 845 con bị nhiễm bệnh (trên tổng đàn 1942 con lợn). Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã được thành lập. Xã lập 7 chốt kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch. Tiến hành thống kê, phân loại đàn lợn của 5/6 thôn. 122 hộ có lợn bệnh và 5 hộ làm nghề giết mổ lợn ký cam kết không buôn bán lợn bệnh, xử lý tiêu hủy kịp thời 487 con lợn chết. Đài truyền thanh xã liên tục tuyên truyền hướng dẫn cách phòng chống dịch. Xã đã phun 934 kg hóa chất khử trùng tiêu độc do tỉnh hỗ trợ. Nhân dân tạm dừng việc buôn bán, giết mổ gia súc.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Khi dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn xã, không những làm thiệt hại nặng về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tâm lý chung của những hộ chăn nuôi, họ chán nản, không còn khả năng kinh tế để tái đàn, số tiền nợ ngân hàng vẫn chưa trả được. Dịch bệnh làm đàn lợn nái giảm sút; nhiều hộ trống chuồng không mua được con giống do giá tăng 700 - 800 ngàn đồng/con, lãi suất vay ngân hàng cao buộc hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ trống chuồng, các chủ gia trại không dám vay vốn đầu tư lớn.

Chúng tôi cùng anh Lê Quốc Văn, Trưởng ban thú y xã xuống cơ sở để tìm hiểu việc tái đàn của các hộ chăn nuôi trong xã. Đến gia đình anh Nguyễn Hồng Quân, thôn Thượng Hộ Nam khi đang chăm sóc đàn lợn choai cho biết, gia đình anh đầu tư gia trại với số tiền 100 triệu đồng vay ngân hàng và anh em, họ hàng nuôi 70 con lợn. Anh nhẩm tính, nếu xuôi chèo mát mái, lợn bán vào thời điểm giá cao, trừ chi phí con giống, thức ăn, gia đình anh có lãi, trả được lãi ngân hàng đúng hạn, còn lại sẽ đầu tư vào chuồng trại cho tốt hơn. Nhưng đại dịch lở mồm long móng ập đến, làm thiệt hại 20 con lợn đến thời điểm xuất chuồng, số còn lại nuôi to quá, bị thương lái ép giá, mỗi đầu lợn anh lỗ 1,5 triệu đồng. Bao nhiêu công sức bấy lâu nay bỏ ra đổ xuống sông xuống biển, số tiền vay nợ ngân hàng đến hạn phải trả. Hiện tại, với số vốn ít ỏi đi vay, anh tiếp tục tái đàn trên 20 đầu lợn khi mà giá cám cao, giá thịt lợn hơi xuống thấp và dịch bệnh luôn rình rập. Đúng là khó khăn chồng chất khó khăn.

Cũng giống như anh Quân, anh Phan Thế Triển, thôn Phú Mỹ, vay ngân hàng 150 triệu đồng, xây dựng 4 dãy chuồng, nuôi 60 con lợn, khi gia đình phát hiện đàn lợn bị dịch LMLM, cũng trùng vào thời điểm phải trả cả gốc và lãi ngân hàng. Dịch LMLM làm chết 40 con lợn, chủ yếu là lợn choai. Thật là xót xa, vợ chồng anh đành nhìn khối tài sản ra đi. Anh cho biết thêm, việc tái đàn vào thời điểm này rất khó khăn, số tiền vay ngân hàng lần đầu chưa trả hết, nhưng vẫn phải thế chấp tài sản vay thêm để tái đàn, mong sao lần nuôi này 45 con lợn choai của gia đình không bị dịch bệnh, bán có lãi để trả nợ ngân hàng. Không giống các hộ chăn nuôi gia trại, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi số lợn của gia đình bị chết họ không có cơ hội để nuôi lại, phải bỏ trống chuồng vì số tiền tích cóp, dành dụm đầu tư hết vào chăn nuôi. Bác Nguyễn Xuân Đúc, 73 tuổi, thôn Gia Lạc, là một trong số hộ chăn nuôi nhỏ cho biết, gia đình bác nuôi hơn 10 đầu lợn, lần dịch LMLM đầu năm chuồng nhà bác không còn lại một con nào. Gia đình nghiêm chỉnh chấp hành ký cam kết không bán lợn dịch, đem đi tiêu hủy kịp thời toàn bộ số lợn. Đến thời điểm này, gia đình bác chưa nhận được tiền hỗ trợ. Bác kiến nghị, các cấp có thẩm quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi cho gia đình bác, cũng như các hộ chăn nuôi trong xã được vay vốn; đồng thời thường xuyên có các lớp học về chăn nuôi để bà con nông dân hiểu biết về dịch bệnh, có cách phòng tránh kịp thời, giảm thiệt hại về kinh tế.

Giải pháp nào cho hộ chăn nuôi ở Hồng Lý

Trước dịch bệnh LMLM đầu năm 2012 cho thấy, do  việc chăn nuôi được các hộ đầu tư mở rộng tự phát, ồ ạt nhập lợn về địa phương, không có sự kiểm tra, xác minh được lợn khỏe hay bị mắc bệnh trước khi đưa vào chăn nuôi nên dễ mang mầm bệnh cho vật nuôi tại địa phương.  Các chuồng trại chăn nuôi chưa được xây dựng hợp lý bảo đảm ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Người chăn nuôi chưa hiểu biết đầy đủ về kỹ thuật, cách thức phòng bệnh cho vật nuôi. Ngoài vấn đề thiết yếu là chất lượng con giống, rất cần phải quan tâm đến đội ngũ thú y viên. Do thu nhập thấp nên họ phải làm nhiều ngành nghề, khi có dịch bệnh xảy ra, Ban thú y xã không thể đảm đương bao quát hết địa bàn.

Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp về nông thôn xây dựng các trang trại chăn nuôi hiện đại.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa