Thứ 2, 29/07/2024, 11:28[GMT+7]

Thái Thụy Được mùa nhưng chưa trọn niềm vui

Thứ 3, 12/06/2012 | 08:58:27
1,414 lượt xem
Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa xuân của Thái Thụy đã chín vàng, ruộng nào ruộng nấy trĩu bông, nặng hạt. Nhưng để đổi lấy những hạt thóc vàng ấy, suốt mấy tháng liền người nông dân cũng phải trải qua biết bao nhọc nhằn, vất vả, thậm chí nhỏ hàng ngàn giọt mồ hôi trên thửa ruộng của mình.

Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đào Đức Viện cho biết: qua kiểm tra, khảo sát, đánh giá đã khẳng định vụ lúa xuân năm 2012 này Thái Thụy được mùa lớn ở tất cả các trà lúa, giống lúa. Năng suất bình quân toàn huyện ước đạt gần 72 tạ/ha, là một trong những vụ lúa xuân có năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, lúa lai năng suất đạt khoảng 78 tạ/ha, lúa chất lượng đạt 65 tạ/ha, lúa thuần đạt từ 70 đến 72 tạ/ha. Đạt được kết quả trên, trước hết là do các xã, thị trấn đã chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện phục vụ sản xuất. Bố trí thời vụ gieo cấy, cơ cấu trà lúa, giống lúa hợp lý, phù hợp với từng chân đất để khai thác tối đa tiềm năng, năng suất của cây trồng.

Trong đó, tập đoàn lúa lai được huyện ưu tiên lựa chọn, chiếm 37,4% cơ cấu và đây là những giống lúa đặc biệt thích hợp với chân đất chua phèn, nhiễm mặn của Thái Thụy, chống chịu sâu bệnh rất tốt, cho năng suất cao; lúa chất lượng chiếm 28,6%; còn lại lúa thuần chiếm 34%. Công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được chỉ đạo sát sao, thực hiện đồng bộ ở từng thời điểm, từng giai đoạn nên đã tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, trỗ trong khung thời vụ an toàn từ 15 đến 25/5.

Điểm mới trong sản xuất vụ xuân năm nay của Thái Thụy là 20 xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa theo tiêu chí nông thôn mới. Từ chỗ, mỗi gia đình có từ 5 đến 6 thửa ruộng, sau khi dồn đổi còn 1 đến 2 thửa nên rất thuận tiện để đưa máy móc vào sản xuất, giảm công lao động, chi phí sản xuất nên nông dân rất phấn khởi, chú trọng hơn trong khâu chăm sóc, bảo vệ.

Trên cánh đồng của xã Thụy Hưng, bất chấp cái nắng gay gắt giữa mùa hè oi ả, nhiều nông dân vẫn tất bật, hối hả với công việc "thu chiêm, làm mùa". Những bông lúa vàng óng được cắt rời khỏi gốc rạ, chất đầy trên xe nối đuôi nhau vào làng. Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Vũ Đăng Phiện chia sẻ: "Vụ  xuân năm 2012, Thụy Hưng  gieo cấy 310 ha lúa, trồng 30 ha dưa lê, dưa hồng.

Trong khi những xã khác lựa chọn lúa lai là giống chủ lực thì nông dân nơi đây chỉ cấy 12,6% diện tích, 40% giống BC15, còn lại lúa thuần, lúa chất lượng cao. Năng suất lúa bình quân toàn xã ước đạt 73 tạ/ha; riêng giống lúa BC năng suất đạt gần 80 tạ/ha. Dù được mùa lớn, nhưng hầu hết xã viên lại chưa thực sự phấn khởi, bởi hiện nay giá lúa xuống quá thấp, trung bình từ 5.000đ đến 6.000đ/kg, nếu trừ công lao động, chi phí sản xuất  thì người nông dân không có lãi. Nhiều năm được mùa liên tiếp, lượng thóc còn trữ trong các gia đình hiện tại khá lớn.

 Dự kiến, sau khi thu hoạch vụ lúa chiêm này, sản lượng thóc toàn xã thêm khoảng 2.200 tấn nữa. Thú thật, đến giờ bài toán tiêu thụ nông sản cho bà con chúng tôi cũng chưa biết tính thế nào?". Chung nỗi niềm với anh Phiện, nông dân Đào Viết Huỳnh chia sẻ: "Gia đình tôi có 1 mẫu ruộng, một nửa trồng dưa lê- dưa hấu, một nửa cấy lúa. Lúa tốt bời bời, dự kiến sản lượng thu đạt 1,3 tấn, nhưng với giá hiện nay nếu bán cũng chỉ được 8 triệu đồng, trừ chi phí sau 4 tháng đầu tư còn khoảng 4 triệu đồng.

Trong khi, thời gian tôi trồng một vụ dưa lê chỉ bằng 1 nửa cấy lúa, năng suất bình quân hơn 1 tấn/sào, nếu điều kiện thuận lợi, tổng thu từ nguồn bán 5 sào dưa của gia đình khoảng 20 triệu đồng, rõ ràng gấp nhiều lần cấy lúa". Không có thêm diện tích trồng màu như ông Huỳnh, chị Trần Thị Chiến (thôn Nhạo Sơn, xã Thụy Sơn) than thở: "Gia đình tôi có 4 người nhưng chỉ 2 vợ chồng có ruộng với diện tích 4 sào, ngoài ra tôi thuê thêm 3 sào nữa. Năm nay, lúa chiêm được mùa, tổng thu khoảng 1,8 tấn thóc kể ra cũng nhiều so với nhà nông nhưng từng nấy cũng chỉ đủ để ăn và chăn nuôi của gia đình. Mọi khoản chi tiêu trong nhà, lo cho con cái học hành phải trông chờ vào nguồn thu nhập của chồng tôi đi làm thợ xây ở tỉnh ngoài nên cuộc sống cũng vất vả lắm".

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm thu hoạch lúa xuân ở huyện biển tập trung từ ngày mùng 10 đến 20/6. Anh Viện cũng thẳng thắn thừa nhận: trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, giá nông sản bấp bênh, đầu ra không ổn định nên vụ xuân này dù có được mùa nhưng nông dân vẫn chưa thực sự trọn niềm vui. Để giải quyết vấn đề này, cần sự vào cuộc tích cực, cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành và sự nỗ lực của chính bản thân người nông dân. Riêng với Thái Thụy, vụ xuân năm nay không chỉ có cây lúa được mùa, mà 1.720 ha diện tích trồng cây màu cũng cho năng suất cao, thu nhập khá. Để tăng thêm nguồn thu cho bà con, bù cho giá lúa xuống thấp, một số địa phương đã tận dụng lợi thế đất đai trồng 800 ha cây màu hè xen chủ yếu là dưa, đậu đỗ các loại trên đất 2 lúa.

Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn đôn đốc nông dân dồn sức ra đồng khẩn trường thu hoạch lúa xuân, gặt đến đâu làm đất ngay đến đó, chuẩn bị mọi điều kiện chuẩn bị sản xuất vụ lúa mùa bảo đảm lịch thời vụ, đúng kỹ thuật. Khẩn trương xây dựng phương án, tổ chức thực hiện, phấn đấu 26 xã còn lại hoàn thành việc dồn điền đổi thửa trong năm 2012, tạo điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng, đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Ngay trong vụ mùa này, Thái Thụy sẽ đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng mẫu ở hơn 10 xã để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng ở những vụ sau. Ngoài ra, huyện tăng cường biện pháp, chủ động các phương án phòng chống lụt bão, bảo vệ sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cũng như ổn định đời sống của người nông dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa