Thứ 2, 29/07/2024, 11:32[GMT+7]

Tuổi cao vẫn đam mê làm kinh tế

Thứ 2, 25/06/2012 | 08:36:39
1,311 lượt xem
Không phải xuất thân từ nghèo khó, kinh tế bần hàn như các hộ nông dân khác, một cán bộ về hưu ở tuổi 60 như bà Phạm Thị Thuận có điều kiện kinh tế khá giả nhưng vẫn ra sức làm kinh tế. Số tiền bỏ ra để phát triển kinh tế trang trại có thể gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng lãi tới hàng chục triệu đồng/tháng nhưng bà lại dùng nó để biến ước mơ thành sự thật.

Chăm sóc lứa gà chuẩn bị xuất của trang trại. Ảnh: Minh Đức

Bất kể ai đi qua tuyến đê thuộc địa phận xã Trọng Quan (Đông Hưng) đều ngưỡng mộ về mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp do bà Thuận làm chủ. Gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình này đã trở thành điểm sáng ở địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người về học tập kinh nghiệm.

Trang trại mang tên “Phúc Gia Trang” với ý nghĩa trang trại sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình và cho mọi người. Bà Thuận cho biết: cứ mỗi sáng thức dậy bà lại nhìn thấy hạnh phúc hiện hữu ngay trước mắt, ước mơ được làm chủ trang trại lớn đã trở thành hiện thực. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hưng Hà, học Đại học Y Hà Nội và cùng chồng công tác trên tỉnh Hà Giang, bà Thuận luôn ấp ủ một ngày nào đó được trở về góp sức xây dựng quê hương. Ngay từ khi còn làm việc trên đất khách, bà đã đầu tư vào chăn nuôi lợn nái, cung cấp lợn giống cho bà con trong khu vực và nuôi lợn thịt cung cấp cho các đơn vị quân đội. Đặc biệt, bà còn tự làm thức ăn chăn nuôi gia súc.

Là người phụ nữ năng động, chịu khó, kiên trì nên ngay khi về nghỉ hưu, cùng với số vốn tự có bà đã vay thêm ngân hàng đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất gạch tuynel ở Minh Tân - Hưng Hà với số tiền gần 7 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 70-100 lao động với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Đã gần 6 năm đi vào hoạt động, nhà máy đã xuất bán bình quân 20 triệu viên gạch/năm, phục vụ các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Mặc dù chất lượng gạch có uy tín, lợi nhuận cao, nhưng cũng không ngăn cản được niềm đam mê chăn nuôi. Bà đã nhường lại quyền giám đốc nhà máy sản xuất gạch tuynel cho người cháu và quyết tâm xây dựng một trang trại lớn. Lúc đầu dự định chung vốn làm mô hình trang trại nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, nhưng do có vốn và kỹ thuật nên bà đã quyết định xây dựng riêng một trang trại trên quê hương Trọng Quan của chồng.

Năm 2010, được sự giúp đỡ của UBND huyện Đông Hưng và xã Trọng Quan, bà Thuận đã bắt tay xây dựng trang trại trên diện tích 18.000m2. Để có được mô hình trang trại to đẹp, sạch sẽ bậc nhất huyện Đông Hưng, bà Thuận đã đầu tư 5 tỷ đồng vào xây dựng 2 dãy chuồng nuôi gà trắng rộng 250m2, đào hai ao nuôi cá, các công trình phục trợ chọn nuôi giống gà trắng, bà đã thiết kế xây dựng chuồng trại theo công nghệ khép kín có hệ thống làm mát, nước sạch, thực hiện cho ăn theo giờ, tiêm phòng vacxin đúng định kỳ... Từ tháng 5/2011 đến nay cứ 45 ngày bà xuất một lứa gà, 6 lứa/năm; mỗi lứa nhập 18 vạn con giống và xuất từ 45-50 tấn gà thịt, trung bình mỗi con trên 3kg; sử dụng khoảng 80 tấn thức ăn/lứa.

Thời điểm chúng tôi đến thăm trang trại, bà Thuận vừa xuất 1 vạn con gà thịt với giá thấp bằng 1 nửa so với năm ngoái nên đã bị lỗ. Do thị trường không ổn định, cung nhiều hơn cầu, nhiều loại gà xuất xứ từ Trung Quốc tràn ra thị trường nên những hộ chăn nuôi như bà đã bị ép giá từ 40.000đồng/kg đến nay chỉ còn 23.000đồng/kg. Tuy nhiên bù lại năm ngoái mỗi lứa bà đã thu lãi từ 100-200 triệu đồng. Bà Thuận mong Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn để tạo sự ổn định đầu ra trong chăn nuôi, tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn. Không chỉ đam mê chăn nuôi, bà còn trồng hàng nghìn cây chuối tiêu hồng, xoan đào, mít thái lan, hồng xiêm lai xoài, nhãn quả sớm - quả muộn, ổi, ngô và các loại hoa... được nhập từ Viện giống cây trồng Trung ương về trồng và cung cấp giống cho các trang trại quanh vùng. Vừa nâng cao thu nhập, vừa tạo được niềm vui lúc tuổi già, bà còn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động của xã Trọng Quan với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong chăn nuôi nên bất kể ai đến học hỏi đều được bà trao đổi một cách cởi mở. Hiện bà Thuận đã trở thành tấm gương điển hình tiên tiến ở địa phương về phát triển kinh tế.

                                      Thu Thủy

  • Từ khóa