Thứ 2, 29/07/2024, 11:24[GMT+7]

Cánh đồng mẫu - hướng đi tất yếu trong sản xuất hàng hóa

Thứ 6, 29/06/2012 | 10:48:28
4,143 lượt xem
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện nay thì việc xây dựng cánh đồng mẫu của tỉnh Thái Bình là hướng đi tất yếu để chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người nông dân.

Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều loại cây màu, giống lúa có chất lượng, giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất trên diện rộng, bước đầu hình thành được những cánh đồng lớn có quy mô vài chục đến hàng trăm héc-ta, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như cây đậu tương ở Điệp Nông, Tiến Đức (Hưng Hà), Vũ Đoài, Vũ Tiến (Vũ Thư); khoai tây ở Quỳnh Nguyên, Quỳnh Châu, Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ); vùng lúa chất lượng cao ở Tây Tiến (Tiền Hải), Vũ Tây (Kiến Xương)… Đặc biệt ở vụ xuân năm 2012, Sở Nông nghiệp & PTNT đã triển khai xây dựng hai mô hình cánh đồng mẫu tại Nguyên Xá (Vũ Thư) và Vũ Hòa (Kiến Xương), với diện tích 50 ha/xã, kết quả thu được khá tốt. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện nay thì việc xây dựng cánh đồng mẫu của tỉnh là hướng đi tất yếu để chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người nông dân.

Hiệu quả được khẳng định
Trên thực tế, cánh đồng mẫu lớn đã được các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai thực hiện từ năm 2011, với diện tích 8 nghìn ha và đã đem lại lợi nhuận cao cho cả doanh nghiệp và nông dân. Điển hình như Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã thực hiện xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang), với diện tích 1.600 ha. Công ty đã đứng ra hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân với lãi suất 0%, khi nông dân bán lúa cho Công ty mới trừ đi các khoản đã đầu tư.

Ngoài ra, khi nông dân thu hoạch  lúa còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển, sấy và lưu kho 30 ngày, nhưng vẫn được thu mua theo giá thị trường. Kết quả cho thấy, những nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu có chi phí thấp hơn những hộ không tham gia; chi phí sản xuất lúa của hộ tham gia mô hình là 2.581 đồng/kg thóc, trong khi đó hộ không tham gia chi phí lên tới 3.302 đồng/kg. Theo đó, lợi nhuận của những mô hình cánh đồng mẫu khoảng 27 triệu đồng/ha, lợi nhuận ngoài mô hình chỉ được 15 triệu đồng/ha.

Tại Thái Bình, mặc dù trước vụ xuân 2012 chưa triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT, nhưng các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng được những cánh đồng lớn, quy mô từ vài chục đến hàng trăm héc-ta, cho giá trị kinh tế khá cao. Cụ thể như vùng trồng ớt vụ đông ở xã An Ấp, An Ninh, Quỳnh Minh, Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), với quy mô từ 40 - 50 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt trên 100 triệu đồng/ha/ vụ; vùng trồng bí đao đá ở Thụy Bình, Thụy Trình, Thụy Sơn (Thái Thụy), An Châu, Phú Lương, Phú Châu (Đông Hưng)… với diện tích từ 30 - 50 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt gần 70 triệu đồng/vụ, tính cả 2 vụ lúa đạt trên 130 triệu đồng/ha/năm; vùng lúa chất lượng cao ở Vũ Hòa, Thượng Hiền, Quang Trung (Kiến Xương), quy mô từ 70 -100 ha, giá trị đạt từ 34 - 35 triệu đồng/ ha/vụ…

Đích đến và giải pháp thực hiện
Thông báo số 275-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận về chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn tỉnh chỉ rõ: Việc xây dựng cánh đồng mẫu nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường là giải pháp nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới; mô hình cánh đồng mẫu phải bảo đảm các tiêu chí đề ra và gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng và xây dựng hàng hóa tập trung; các loại mô hình gồm lúa – màu, chuyên màu giá trị thu nhập cao…Theo đó, đích đến của mỗi mô hình cánh đồng mẫu phải đạt quy mô diện tích tối thiểu 50 ha trở lên, một số mô hình ở giai đoạn đầu diện tích có thể dưới 50 ha, nhưng sau đó phải có khả năng mở rộng trên 50 ha; giá trị sản xuất bình quân 2 vụ lúa của cánh đồng mẫu phải đạt ít nhất 120 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất màu đạt từ 220 triệu đồng trở lên/ha/năm…

Nông dân canh tác trên cánh đồng này phải tự nguyện tham gia, chấp hành quy định về hợp đồng sản xuất và kỹ thuật canh tác, sử dụng 100% giống tốt, gieo trồng cùng một loại giống, cùng thời vụ, chăm sóc cùng quy trình kỹ thuật… Để xây dựng được các cánh đồng mẫu theo tiêu chí đã đề ra, trước hết cần huy động cả hệ thống chính trị ở cơ sở để phổ biến rộng rãi chủ trương, sự cần thiết, tính hiệu quả của việc xây dựng cánh đồng mẫu gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đồng thời làm rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên khi tham gia, từ chính quyền đến HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân để tạo ra mối liên kết chặt chẽ và bền vững trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới bằng hình thức liên kết xây dựng cánh đồng mẫu, với tư cách vừa là “bà đỡ” hỗ trợ nông dân, vừa là người hưởng lợi từ chương trình liên kết. Trong quá trình xây dựng phải được thảo luận dân chủ để có sự đồng thuận cao của chính quyền, HTX, doanh nghiệp, các hộ dân trong các cánh đồng được lựa chọn về cơ cấu, thời vụ, loại giống, phương thức sản xuất, tiêu thụ…

Thành công bắt đầu từ nhận thức
Xây dựng thành công cánh đồng mẫu ở các tỉnh ĐBSCL đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT ghi nhận, đánh giá có hiệu quả và chính thức phát động thành phong trào ở nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó có Thái Bình. Tuy nhiên, đối với các tỉnh ĐBSCL sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí cánh đồng mẫu lớn, nhưng tại Thái Bình hình thức này còn rất ít. Bởi sự thành công của cánh đồng mẫu lớn phải giải được bài toán về liên kết sản xuất, có hạch toán, quản lý cả chuỗi sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nông sản thực phẩm, an toàn môi trường và tăng thu nhập cho người nông dân.

Trên thực tế, tỉnh ta đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung từ những năm trước, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra về sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sự liên kết 4 nhà. Nguyên nhân chính đó là nhận thức của người nông dân về hình thức này còn hạn chế, vì tư lợi  trước mắt nhiều hộ dân không tuân thủ theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp. Chính vì vậy mà ở một số địa phương khi hình thành được các vùng sản xuất tập trung đã gặp phải khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, không có kho bảo quản… dẫn đến giá thành rẻ, sản phẩm hư hỏng. Đồng thời các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cũng chỉ đáp ứng phần nào của tiêu chí cánh đồng mẫu lớn, vẫn còn trồng nhiều loại giống khác nhau/ cánh đồng; quy mô nhỏ lẻ, từ 15 - 20 hộ/ha, quy trình canh tác không đồng nhất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Để xây dựng được cánh đồng mẫu lớn, thiết nghĩ phải bắt đầu từ nhận thức của người nông dân về sự đồng thuận sản xuất trong vùng, như cùng một giống, cùng quy trình canh tác, sản xuất an toàn, tiết kiệm, không phá vỡ hợp đồng…

Hiệu quả, giải pháp thực hiện về cánh đồng mẫu đã rõ, song để xây dựng thành công cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở và hơn ai hết chính là những người làm chủ tư liệu sản xuất cần có cái nhìn sâu, rộng để nâng cao cuộc sống của chính mình. Không chỉ thế, khi xây dựng thành công các cánh đồng mẫu còn góp phần quan trọng để thực hiện được một trong những nội dung hàng đầu của chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là sản xuất phát triển. 

Nguyên Bình

  • Từ khóa