Thứ 2, 29/07/2024, 11:32[GMT+7]

Nhìn lại chương trình đưa hàng Việt về nông thôn

Thứ 5, 05/07/2012 | 10:12:40
1,164 lượt xem
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, trong 2 năm (2011 và 2012), Trung tâm Xúc tiến thương mại (trực thuộc Sở Công Thương Thái Bình) đã chủ trì tổ chức 4 đợt đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Hưng Hà, Tiền Hải, Thái Thuỵ và Quỳnh Phụ. Chương trình đã thu được một số kết quả bước đầu rất tích cực, tuy nhiên cũng còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế.

Các doanh nghiệp tặng quà cho Trường mầm non Đông Hải trong lần tổ chức đưa hàng việt về nông thôn tại Quỳnh Phụ.

Phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Định- Phó Giám đốc Sở Công Thương xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (P.V): Trước hết, xin ông cho biết lý do tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ?
 Phó Giám đốc (PGĐ): Việc tổ chức hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt, đồng thời là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động. Chương trình nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường nông thôn rất rộng lớn và đầy tiềm năng; giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm với người tiêu dùng; nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của khách hàng vùng nông thôn để có kế hoạch phát triển SX- KD phù hợp; gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác. Chương trình cũng là dịp để người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Đồng thời từng bước hình thành thói quen tiêu dùng những loại sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

P.V: Những loại ngành hàng nào được đưa về để phục vụ người dân nông thôn ?
 PGĐ: Phần lớn các mặt hàng được chọn giới thiệu và bày bán đều là những sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của các hộ gia đình khu vực nông nghiêp- nông thôn- nông dân. Cụ thể như: hàng nông- lâm- thuỷ sản; thực phẩm chế biến; thức ăn chăn nuôi; giống cây trồng, vật nuôi; phân bón, thuốc trừ sâu; sản phẩm cơ khí nông nghiệp. Ngoài ra còn có các sản phẩm VLXD; điện- điện tử- điện lạnh; may mặc thời trang; hoá mỹ phẩm; dược và vật tư y tế; đồ uống các loại…

 P.V: Để thu hút các doanh nghiệp tham gia hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, Trung tâm XTTM đã có giải pháp gì ?
 PGĐ: Đối tượng tham gia chương trình là tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có đủ tư cách pháp nhân và kinh doanh các ngành hàng được pháp luật cho phép. Để thu hút đông các doanh nghiệp tham gia, Trung tâm đã tăng cường công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và Website của Sở Công Thương, đồng thời tích cực hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình, thủ tục để đăng ký tham gia chương trình. Phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất tại khu vực hội chợ và mời gọi các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia hội chợ. Ngoài ra, ban tổ chức hội chợ thực hiện cơ chế hỗ trợ 100% tền thuê gian hàng, hỗ trợ một phần kinh phí vận chuyển hàng hoá và hỗ trợ công tác tuyên truyền quảng bá.

P.V: Xin ông cho biết quy mô của hội chợ ?
PGĐ: Đến thời điểm này, Trung tâm XTTM đã chủ trì tổ chức 4 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, năm 2011 tổ chức tại xã Thái Phương (Hưg Hà) và thị trấn Tiền Hải; sang năm 2012 tiếp tục tổ chức tại xã Thuỵ Phong (Thái Thuỵ) và xã Đông Hải (Quỳnh Phụ). Quy mô hội chợ ít nhất khoảng 30 gian hàng với sự tham gia của tối thiểu là 15- 20 doanh nghiệp. Thực tế có hội chợ đã thu hút trên 50 doanh nghiệp với quy mô hơn 70 gian hàng.

P.V: Vậy điểm khác biệt giữa các kỳ hội chợ là gì, thưa ông ?
PGĐ: So với năm 2011, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn năm nay có một số điểm mới. Đó là ngoài trưng bày và trao đổi sản phẩm, ban tổ chức đã vận động các doanh nghiệp tài trợ quà cho học sinh và các gia đình chính sách của địa phương. Tại hội chợ tổ chức ở Thái Thuỵ đã huy động và trao tặng được 70 suất quà, tại huyện Quỳnh Phụ đã huy động và trao tặng gần 250 suất quà cho các cháu học sinh Trường mần non và những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, ban tổ chức còn dành riêng một khu đất khá rộng để doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em trưng bày các sản phẩm và cho phép các cháu thiếu nhi được sử dụng miễn phí các loại đồ chơi trong suốt thời gian diễn ra hội chợ, với các sản phẩm như cầu trượt, bập bênh, nhà bóng, đu quay…

P.V: Ngoài những mặt tích cực kể trên, theo ông chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua còn bộc lộ những điểm hạn chế gì ?
PGĐ: Do đến nay mới là năm thứ hai tổ chức chương trình nên khó tránh khỏi hạn chế, thiếu sót. Cụ thể như thời gian tổ chức hội chợ chưa thật hợp lý; quy mô hội chợ còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp lớn tham gia; sản phẩm bày bán chưa thật phong phú, đa dạng; kinh phí đầu tư cho hội chợ rất hạn hẹp; công tác tuyên truyền, quảng bá về hội chợ chưa thường xuyên và hiệu quả…Những hạn chế nói trên được ban tổ chức nghiêm túc rút kinh nghiệm để chỉ đạo tốt hơn trong các kỳ hội chợ khác.

P.V: Xin chân thành cảm ơn ông !

Vũ Mạnh (thực hiện)

 

  • Từ khóa