Thứ 6, 29/03/2024, 17:38[GMT+7]

Nam Phú: Hiệu quả từ nuôi tôm thẻ chân trắng thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ 5, 24/12/2020 | 15:23:23
1,295 lượt xem
Những năm gần đây, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở xã Nam Phú (Tiền Hải), nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng đã áp dụng mô hình công nghệ cao bể tròn nổi thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bể tròn nổi xã Nam Phú vệ sinh môi trường ao nuôi trước khi xuống giống vụ tôm.

Anh Trương Văn Đại, xã Nam Phú cho biết: Diện tích nuôi thủy sản của gia đình tôi giáp biển nên mỗi khi bão lụt, nước biển dâng ảnh hưởng trực tiếp đến vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, làm thiệt hại về kinh tế. Sau khi nhận thầu diện tích nuôi thủy sản ở vùng cồn Vành, gia đình tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo mặt bằng, mua sắm các trang thiết bị thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong bể tròn nổi với diện tích 3ha. Từ khi tôi áp dụng mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu đã duy trì ổn định hàng năm 3 vụ tôm, mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Để có được hiệu quả trong nuôi thủy sản thì phải quy hoạch tốt, con giống phải sạch bệnh, nguồn nước được xử lý. Ngoài ra, nuôi tôm trong bể tròn có rất nhiều ưu việt như chống ô nhiễm, cua, còng, chim không xâm phạm nên không lây nhiễm bệnh cho tôm.

Còn anh Trương Xuân Hùng người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm công nghệ cao bằng bể tròn nổi cho biết: Các bể nuôi tôm của gia đình tôi được thiết kế hình tròn khung sắt có lót bạt xung quanh và hệ thống ôxy, lưới bao quanh cùng thiết bị hỗ trợ khác. Việc nuôi tôm thẻ thâm canh trong bể nổi rất thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nuôi luôn duy trì ổn định; sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt, dễ thu gom chất thải. Mô hình này còn giảm nhiều rủi ro, nâng cao tỷ lệ thành công của mỗi vụ nuôi. Nếu khai thác tốt sẽ giúp tăng năng suất tôm và tăng số vụ nuôi/năm, góp phần phát triển nuôi tôm của xã Nam Phú bền vững.

Cán bộ lâm sinh xã Nam Phú, ông Nguyễn Thế Lữ cho biết: Nam Phú là xã ven biển của huyện Tiền Hải. Trong sản xuất nông nghiệp nhất là nuôi tôm thường xuyên chịu tác động của thời tiết và thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra các biểu hiện thời tiết cực đoan điển hình như bão lụt, nước biển dâng, nhiệt độ tăng. Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động nuôi tôm, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi thủy sản của địa phương. Từ những khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra, nhân dân Nam Phú đã có nhiều biện pháp triển khai mô hình nuôi tôm bể nổi tròn thích ứng với biến đổi khí hậu. Nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, tôm nuôi được quây kín trong các nhà bạt, bảo đảm an toàn về dịch bệnh, hạn chế tác động của thời tiết, nhất là những đợt rét đậm, rét hại và những đợt nắng nóng kéo dài. Và ưu điểm vượt trội so với nuôi tôm ở ngoài trời là khi thời tiết thay đổi bất lợi, mưa lớn, ao nuôi không bị phân tầng nước, không làm tôm sốc nhiệt gây chết hàng loạt. Mô hình này không chỉ giúp người nông dân quản lý được thức ăn, tỷ lệ sống của tôm từng giai đoạn mà còn giúp quản lý dịch bệnh. Mô hình nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao ở Nam Phú bước đầu cho kết quả khả quan, từng bước thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ thành công cao, đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư mô hình nuôi tôm theo kỹ thuật công nghệ cao rất lớn, cho nên để nhân rộng, cần có chính sách hỗ trợ nông dân vốn vay ưu đãi. Đến nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu của Nam Phú đạt 32ha.

Để tiếp tục duy trì, phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao, thời gian tới Nam Phú tích cực tuyên truyền đến nhân dân đầu tư chuyển đổi nuôi tôm từ ao đất sang công nghệ cao; tạo mọi điều kiện vay vốn ngân hàng; đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, giúp tăng cường an toàn sinh học và ngăn ngừa dịch bệnh tại khu vực nuôi, giảm chi phí, tăng năng suất và thu nhập cho nhân dân.

Mạnh Thắng