Thứ 3, 29/04/2025, 11:19[GMT+7]

Rau cần - Đặc trưng của thôn Cổ Xá

Thứ 4, 26/12/2012 | 09:13:46
6,541 lượt xem
Thôn Cổ Xá (làng Bùi), xã Phong Châu là địa phương duy nhất của huyện Ðông Hưng có truyền thống trồng rau cần. Từ hàng chục năm nay, rau cần không chỉ là món rau ngon được nhiều người ưa thích mà còn là món ăn đặc trưng ngày Tết của người Cổ Xá, mang lại nguồn thu nhập khá. 

Trải qua bao thăng trầm, cây rau cần vẫn tồn tại và hóa thân vào cuộc sống của người dân nơi đây đúng như câu ca ‘’Ai ơi chớ lấy trai Bùi - Tháng 5 ngồi bếp, tháng 10 lội ao’’.

 

Rau cần thường được trồng trong các ao làng nên thời tiết dù có lạnh đến mấy họ vẫn phải đắm mình dưới nước cắt và rửa cần. Ngày nay, người trồng cần đã nhàn hơn bởi có các trang bị như quần nhựa và găng tay nên không bị ướt, không bị lạnh. Thời kỳ đầu, người dân chủ yếu trồng một vài héc-ta cần giống ở ruộng để bán cho một số nơi. Qua nhiều năm phát triển, nắm bắt được thị trường tiêu thụ ngày càng nhiều các hộ đã mở rộng diện tích trong các ao và các chân ruộng. Từ đó trên 100 hộ trong thôn đã duy trì trồng khoảng  10ha, chiếm 1/4 số hộ. Cần là loại rau dễ trồng, vừa tận dụng được các ao trong dân để trồng cần thương phẩm vừa để được giống tại ruộng mà vẫn bảo đảm cấy 2 vụ lúa đúng lịch thời vụ.

 

Ông Trần Anh Phong - Bí thư chi bộ thôn Cổ Xá cho biết: từ thời xa xưa, các cụ trong làng đã có truyền thống trồng rau cần, trung bình mỗi hộ chỉ có vài thước. Loại rau này được người dân xuống giống từ tháng 6, tháng 7 âm lịch, chỉ sau gần 1 tháng là họ có thể bán cần giống. Tuy nhiên đòi hỏi của cây rau cần là thích hợp với thời tiết rét và chân đất pha cát nên khó mở rộng thêm diện tích. Nếu các hộ trồng cả cần giống là cần thương phẩm thì sẽ thu lãi cao. Trung bình hàng năm mỗi hộ thu hoạch được 5-6 lứa cần giống với giá bình quân 7.000 - 8.000đồng/m2 và 2- 3 lứa cần thương phẩm với giá từ 5.000-15.000đồng/kg. So với các loại rau màu khác mặc dù diện tích trồng cần ít nhưng lại cho thu nhập khá cao, hộ thấp cũng đạt trên 10 triệu đồng/năm, hộ cao đạt tới 35 triệu đồng/năm, điển hình như hộ ông Lưu Xuân Quyết, Phạm Xuân Lâm, Lưu Xuân Tịch.

 

 

Lợi thế ở cây rau cần là thu hoạch được nhiều lứa/vụ. Mặc dù nhà nào nhà ấy tự lo đầu ra sản phẩm nhưng sức tiêu thụ loại rau này rất dễ, các thương lái tới tận ruộng mua cần giống về trồng và vào các ao để lấy cần thương phẩm đi bán khắp các chợ. Ðặc biệt trồng loại rau này bà con trong thôn có thêm khoản thu, ngoài bán theo giá thị trường các hộ còn được thương lái thuê nhổ cần giống tại ruộng với giá 4.000-5.000đồng/m2. Vụ cần năm nay, các hộ dân thu hoạch chậm hơn so với mọi năm từ 10-15 ngày do lứa đầu bị ngập nước từ cơn bão số 8 khiến cần chậm phát triển. Hiện nay các hộ đang xuống giống cần Tết, nhiều hộ đã thu hoạch 5 lứa cần giống và 1 lứa cần thương phẩm cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng.

 

Về làng vào những ngày này chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những xe thồ chở cần đi bán, những thương lái tới ruộng, ao làng mua cần nhộn nhịp như trảy hội. Anh Phạm Văn Thịnh, xã Ðông Cường vừa mua cần giống vừa cho chúng tôi biết: năm nào anh cũng sang Cổ Xá lấy cần giống để về trồng từ 1 -2 sào, trung bình thu hoạch mỗi năm 2 lứa, trừ chi phí 600-700.000đồng/lứa anh cũng lãi được 8-9 triệu đồng/sào. Năm nay do bão và thời tiết ấm nên anh chỉ kịp trồng 1 lứa cần Tết, dự tính cũng thu lãi từ 5-7 triệu đồng. Theo anh Thịnh thì rau cần là loại rau sạch và thích hợp với ngày Tết để chế biến các món ăn như xào thịt trâu, thịt bò, ăn lẩu nên thị trường tiêu thụ mạnh, chỉ cần thu hoạch vào dịp Tết cũng có lãi gấp nhiều lần loại cây rau khác.

 

Còn đối với chị Trần Thị Sáu thì hơn 20 năm nay, năm nào chị cũng trồng 1 sào cần giống từ tháng 6 âm lịch. Năm ngoái thu hoạch 7 lứa chị lãi gần 20 triệu đồng. Năm nay chị đã thu hoạch được 5 lứa nhưng do giá cần thấp hơn mọi năm nên mới chỉ lãi được 8 triệu đồng. Dự tính chị sẽ bán thêm được 1-2 lứa cần giống với tổng thu khoảng 12 triệu đồng. Cũng từ nguồn thu này, chị Sáu đã có tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi 3 con ăn học đại học.

 

Nếu về làng vào thời kỳ cao điểm như dịp Tết, chúng ta sẽ được chứng kiến các hộ trong thôn thức thâu đêm để rửa cần. Họ tận dụng mọi thời gian và nhân lực để làm cho kịp giao hàng vào buổi sáng. Vì thế mà nhiều hộ chỉ trong một ngày cũng bán được vài tạ cần. Từ sự chịu thương, chịu khó đó mà đời sống người dân ngày một nâng cao, bộ mặt của làng ngày càng đổi mới. Hiện tại, thôn Cổ Xá, có tới 90% nhà mái bằng, cao tầng, 99% hộ có phương tiện đi lại, nghe nhìn...

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày