Thứ 5, 07/11/2024, 12:19[GMT+7]

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao “làm khó” nông dân Kỳ 2: Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn hơi xuống thấp

Thứ 5, 29/07/2021 | 08:45:42
4,077 lượt xem
Không chỉ sản xuất trồng trọt gặp khó, hiện đang là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất; tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá lợn hơi giảm mạnh thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới các trang trại, gia trại.

Giá mỗi bao cám (25kg) tăng trung bình 70.000 đồng.

Gia đình ông Vũ Văn Chính, thôn Bá Thôn 1, xã Hồng Việt (Đông Hưng) hiện đang nuôi 50 con lợn nái, 150 lợn thịt và 50 con lợn sữa; trung bình mỗi tháng tiêu thụ trên 800 bao cám. So với thời điểm tháng 7/2020, hiện nay giá mỗi bao cám tăng từ 50.000 - 70.000 đồng, chi phí cho chăn nuôi của gia đình ông tăng thêm khoảng 50 triệu đồng/tháng. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, giá lợn hơi xuất chuồng lại giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. 

Ông Chính chia sẻ: Chăn nuôi lợn giai đoạn hiện nay chịu rất nhiều áp lực; ngoài mối lo về dịch bệnh còn khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi xuất chuồng ngày càng giảm. Vì vậy, nếu không đầu tư chăn nuôi khép kín, bài bản thì rất dễ thua lỗ. Với tình hình như hiện nay, những trang trại chăn nuôi tự cung cấp được con giống thì còn có lãi chút ít, những hộ phải đi mua lợn giống ở ngoài thì sẽ bị lỗ nếu giá lợn hơi duy trì hoặc giảm nữa.

Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín giúp điều chỉnh được nhiệt độ và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên gần 2 năm nay trang trại của gia đình anh Nguyễn Đắc Tường, thôn Trung, xã Đông Phương (Đông Hưng) không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi. Gần 1 tháng nữa trang trại sẽ xuất bán 300 con lợn thịt. Tuy nhiên, với giá bán như hiện nay, theo tính toán ban đầu, mỗi con lợn anh Tường lỗ gần 300.000 đồng. 

Trang trại khép kín của anh Nguyễn Đắc Tường.

Anh Tường cho biết: Năm 2021, giá lợn hơi bắt đầu giảm, lợn siêu nạc từ 90.000 đồng/kg giờ còn 57.000 - 58.000 đồng/kg; lợn lai chỉ bán được 50.000 đồng/kg, thấp nhất trong hơn một năm qua. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay các đại lý cung cấp cám liên tục tăng giá, trước đây mỗi bao cám (25kg) giá 270.000 đồng, giờ tăng lên 330.000 đồng. Chi phí cho một con lợn đến ngày xuất chuồng (110kg) khoảng 6.650.000 đồng, trong đó: giống 2.850.000 đồng; cám 3.300.000 đồng; nhân công, điện, nước, thuốc thú y... 500.000 đồng. Nếu bán với giá 58.000 đồng/kg, mỗi con lợn tôi lỗ 270.000 đồng. Hiện tại, giá lợn giống đã “hạ nhiệt” chỉ còn gần 2 triệu đồng/con, tuy nhiên tôi phải cân nhắc việc tái đàn. Nếu giá cám vẫn tiếp tục tăng cao tôi buộc phải giảm đầu lợn để hạn chế rủi ro, thua lỗ. Rất mong các cơ quan chức năng có giải pháp giúp hạ thấp giá thức ăn chăn nuôi để người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Giá lợn hơi xuất chuồng xuống thấp là do sau một thời gian dài bị tác động bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, người dân đã tập trung tái đàn. Cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các bếp ăn tập thể ngừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm. Trong khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng “phi mã”. 

Chị Nguyễn Thị Hường, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại huyện Quỳnh Phụ cho biết: Từ tháng 11/2020, giá cám chăn nuôi bắt đầu tăng, đến nay có công ty đã tăng 9 lần, trong đó tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 6/2021. Dự báo trong tháng 7 này vẫn còn 2 đợt tăng nữa.

Tổng đàn lợn của tỉnh hiện nay đạt 674.700 con, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 76.000 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn hơi xuất chuồng giảm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; trong đó, nguồn con giống nhập về nuôi phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại thường xuyên nhằm hạn chế tối đa rủi ro, hao hụt trong quá trình chăn nuôi. Về lâu dài, cần chuyển tư duy sản xuất chăn nuôi sang kinh tế chăn nuôi, phát triển theo hướng tăng chăn nuôi các giống cao sản, chất lượng cao; mở rộng phương thức chăn nuôi công nghiệp có quy mô trang trại, có liên kết gắn với nhu cầu thị trường. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng vùng/xã trọng điểm phát triển chăn nuôi, xây dựng thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

Ngân Huyền

(còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày