Thứ 5, 28/11/2024, 08:32[GMT+7]

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp

Thứ 5, 24/03/2022 | 15:58:04
10,655 lượt xem
Sáng ngày 24/3, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại tỉnh Thái Bình.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại hộ chăn nuôi xã Bách Thuận (Vũ Thư) qua camera giám sát.

Thái Bình có 2.390 trang trại chăn nuôi, gồm: 1.380 trang trại lợn, 266 trang trại gia cầm, 199 trang trại trâu, bò; 545 trang trại tổng hợp và khoảng 250.000 hộ chăn nuôi. Quý I/2022, tổng đàn trâu, bò ước đạt 57.000 con, sản lượng thịt hơi đạt 2.900 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tổng đàn lợn ước đạt 690.000 con, tăng 0,25%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 42.000 tấn, tương đương cùng kỳ 2021. Tổng đàn gia cầm ước đạt 13,6 triệu con, giảm 2,15%, sản lượng thịt đạt gần 16.000 tấn, tăng 3,2%, sản lượng trứng đạt 85 triệu quả, tăng 3% so với cùng kỳ. Hiện nay, các địa phương đang triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và đã tiếp nhận 100% lượng hóa chất để tổ chức thực hiện "Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm". Công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y được duy trì theo quy định. Quý I/2022, giá trị sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh ước đạt 2.247,962 tỷ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm 2021.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại HTX chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên (Tiền Hải).

Sau khi kiểm tra thực tế tại mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Lê Văn Tình, xã Bách Thuận (Vũ Thư) và HTX chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên (Tiền Hải), đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương và các hộ chăn nuôi triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm theo đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khống chế dịch trong diện hẹp. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp tái đàn, tích cực thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi kép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt vùng không được phép chăn nuôi và tổ chức quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn vào sản xuất, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày