Thứ 5, 28/11/2024, 02:35[GMT+7]

Tiền Hải: Khắc phục khó khăn trong nuôi trồng thủy sản

Thứ 2, 06/06/2022 | 14:58:41
3,806 lượt xem
Những ngày qua, thời tiết mưa, nắng xen kẽ làm thay đổi nhiệt độ môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản. Để ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, huyện Tiền Hải đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, duy trì sản xuất ổn định.

Các hộ dân xã Đông Minh (Tiền Hải) tập trung chăm sóc thủy sản.

Lao đao vì bệnh đốm trắng trên tôm

Có mặt tại vùng nuôi trồng thủy sản thôn Chí Cường, xã Nam Cường khi các hộ dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đốm trắng trên tôm như: tăng cường quạt khí cung cấp ôxy cho tôm, sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao, chăng lưới ngăn cua, còng, mang mầm bệnh vào ao nuôi... 

Bà Nguyễn Thị Thúy, một hộ nuôi tôm cho biết: 3.600m2 nuôi tôm của gia đình đã bị bệnh đốm trắng. Khi kiểm tra dấu hiệu bất thường xuất hiện trên tôm bị bệnh khi chết là toàn thân có màu đỏ. Do tôm thả được ít tháng tuổi nên sức đề kháng còn yếu, cùng với thời tiết diễn biến bất thường thay đổi nhiệt độ đột ngột nên dẫn đến tôm chết nhanh. Sau khi bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện, tôi đã thông báo với HTX để có giải pháp ứng phó nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra.

Không chỉ diện tích nuôi tôm của các hộ dân xã Nam Cường bị bệnh đốm trắng mà các xã như: Đông Minh, Nam Thịnh, Nam Thắng cũng bị thiệt hại khi bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện. 

Ông Trần Văn Tuyên, thôn Thanh Lâm, xã Đông Minh cho biết: Là địa phương có truyền thống nuôi trồng thủy hải sản, nhiều năm qua bà con nông dân nuôi tôm đều được mùa, trúng giá. Ngay từ đầu vụ nuôi thủy sản xuân hè năm nay, trước khi xuống giống tôm trên diện tích 400m2 gia đình tôi đã đầu tư gần 15 triệu đồng cho việc nạo vét bùn, vệ sinh ao bằng vôi bột và chọn cơ sở cung cấp giống có uy tín để mua con giống nhằm bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết khắc nghiệt gây ra hiện tượng mưa giông, nắng xen kẽ làm chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường ao nuôi dẫn đến xuất hiện nhiều dịch bệnh trên đối tượng nuôi thủy sản, đặc biệt là bệnh đốm trắng ở tôm mới thả. Dịch bệnh xảy ra khiến bà con nông dân chúng tôi lo lắng đứng ngồi không yên, vì bệnh đốm trắng chưa có thuốc chữa, nếu không có biện pháp khống chế kịp thời gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Các hộ dân xã Đông Minh (Tiền Hải) tập trung chăm sóc thủy sản.

Giải pháp khắc phục khó khăn nuôi trồng thủy sản

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Nuôi trồng thủy sản hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai, biến đổi khí hậu. Thời gian qua, thời tiết thay đổi có các đợt mưa giông, nhiệt độ thay đổi đột ngột làm giảm sức đề kháng của các loại thủy sản, đặc biệt là tôm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển. Trong đó, hiện nay trước tình trạng tôm chết do bệnh đốm trắng, Tiền Hải không chủ quan, lơ là, tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức phòng, chống bệnh đốm trắng không để tiếp tục lây lan ra diện rộng. Nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời trong việc xử lý môi trường nước ao. Tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm việc tiêu hủy tôm chết theo quy định, không được vứt tôm chết bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đến nay, Tiền Hải có 60ha diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng của 260 hộ dân. Để hỗ trợ bà con nông dân trong nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh, Tiền Hải tổ chức cấp phát trên 15 tấn hóa chất Chlorine cho các địa phương để vệ sinh ao nuôi có tôm chết. 

Ngoài ra, Tiền Hải cũng khuyến cáo các hộ dân sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao, quây lưới để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, mang mầm bệnh vào ao nuôi. Các địa phương khác có vùng nuôi trồng thủy sản cần tập trung hướng dẫn nông dân giám sát chặt chẽ diện tích ao nuôi tôm, có các biện pháp bảo vệ như thường xuyên đo độ pH bảo đảm yếu tố môi trường nước tốt, kiểm tra tình trạng dinh dưỡng tôm nuôi, bổ sung vitamin C, men vi sinh, khoáng chất, thuốc bổ gan, vi lượng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. 

Dự báo trong thời gian tới, tình hình thời tiết còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh trên các loại thủy sản nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Do đó, các hộ nuôi thủy sản cần quan tâm theo dõi bản tin dự báo thời tiết, chủ động trong việc ứng phó, có những giải pháp phòng tránh thiệt hại cho các loại thủy sản nuôi.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày