Thứ 3, 05/11/2024, 15:16[GMT+7]

Linh hoạt giải pháp, bảo đảm mục tiêu ở vụ đông năm 2022

Thứ 5, 29/09/2022 | 22:01:42
8,912 lượt xem
Sản xuất vụ đông năm 2022 được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều diện tích lúa mùa trỗ bông muộn ảnh hưởng đến quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm; giá vật tư đầu vào tăng cao; khâu liên kết, tiêu thụ, chế biến sản phẩm còn nhiều hạn chế.

Nông dân xã An Châu (Đông Hưng) trồng hành vụ đông.

Nhiều năm nay, thời tiết vụ đông diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến thời vụ cũng như sinh trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả của các cây trồng. Năm 2021, ngay từ đầu vụ, do ảnh hưởng của bão số 7 và số 8 đã làm cho hơn 4.000ha ớt, rau màu các loại bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 2.500ha mới trồng bị thiệt hại nặng phải gieo trồng lại (theo số liệu của Cục Thống kê). Năm 2022, do sự chuyển pha của ENSO từ pha lạnh sang trung tính nên các hiện tượng thời tiết như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ... thường có những diễn biến trái quy luật. Lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm vào các tháng 8, 9, 10.

Không chỉ đối mặt với những khó khăn về thời tiết, vụ đông năm nay còn vấp phải vấn đề nan giải về quỹ đất dành cho sản xuất. Nguyên nhân do vụ lúa xuân thu hoạch muộn hơn so cùng kỳ nhiều năm từ 10 - 15 ngày dẫn đến thời vụ vụ mùa đẩy lùi, khó khăn cho việc giải phóng đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Ngoài ra, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp đang ở mức cao kỷ lục, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp. Sản xuất manh mún, cây trồng xen kẹt, nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác điều tiết nước cũng như dự tính, dự báo sâu bệnh. Các mô hình liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm còn ít và chưa chặt chẽ...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng diện tích sản xuất vụ đông của tỉnh những năm gần đây duy trì đạt trên 36.000ha. Năm 2021, dù thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng toàn tỉnh vẫn gieo trồng được 36.745ha, giá trị sản xuất ước đạt 3.000 tỷ đồng, tương đương 3 triệu đồng/sào. Rõ ràng, sản xuất vụ đông tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại là vụ cung cấp nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương xác định đây vẫn là vụ sản xuất chính, cần phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả với quy mô hợp lý, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm mục tiêu gieo trồng 37.000ha cây vụ đông, các địa phương cần chủ động, linh hoạt các biện pháp chỉ đạo kỹ thuật tốt ngay từ đầu vụ. Cụ thể: tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất hoặc áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu; đối với các cây trồng như ngô, bí xanh, ớt, dưa chuột có thể thực hiện làm bầu trước khi có đất trồng từ 7 - 10 ngày, trồng gối bằng cách rạch lúa đặt bầu trước khi thu hoạch lúa để tranh thủ thời vụ...

Phấn đấu trồng 5.020ha cây vụ đông, trong đó khoảng 2.500ha cây ưa ấm, đến ngày 27/9, huyện Đông Hưng đã trồng được 700ha cây ưa ấm, tập trung ở các xã: Đông Xá, An Châu, Hồng Bạch... Do mưa liên tục trong nhiều ngày qua khiến đất ướt, làm chậm tiến độ gieo trồng cũng như ảnh hưởng sinh trưởng của cây mới trồng. 

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước phòng, tránh ngập úng do mưa lớn đầu vụ đối với diện tích mới gieo trồng. Diện tích chưa trồng, bà con cần chăm sóc, bảo vệ tốt cây con trong bầu. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện hỗ trợ giống bí xanh, bí đỏ, ngô HN88, rau cho các địa phương (có diện tích vụ đông đạt và vượt kế hoạch được giao) xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô từ 3ha trở lên. Dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 1,2 tỷ đồng.

Hiện các địa phương trong tỉnh đang gieo trồng cây vụ đông ưa ấm, chủ lực là cây ngô, bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt. Nhóm cây ưa lạnh chủ lực là khoai tây, rau, đậu, gieo trồng tập trung từ 15/10 - 5/11. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương tháo hết nước trong ruộng (sau khi lúa trỗ bông) để khi gặt lúa, trồng cây vụ đông được thuận lợi; theo dõi diễn biến thời tiết, huy động tối đa mọi phương tiện, nhân lực thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa trà sớm giải phóng đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm trong khung thời vụ tốt nhất.

Nông dân xã Điệp Nông (Hưng Hà) chăm sóc cây rau giống phục vụ gieo trồng vụ đông.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày