Chủ nhật, 29/12/2024, 03:34[GMT+7]

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Thứ 7, 19/11/2022 | 10:41:36
2,803 lượt xem
Thấy nông dân xã Đông Xá (Đông Hưng) đứng trước bế tắc trong khâu tiêu thụ bí đỏ, bí xanh vụ đông, hàng trăm tấn nông sản có thể bị hư hỏng nếu không bán kịp thời, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã nhanh chóng vận động hội viên hỗ trợ tiêu thụ cho bà con. Sự chia sẻ kịp thời của các doanh nhân, doanh nghiệp mang tới niềm vui cho nông dân và giúp địa phương duy trì tổ chức phát triển cây vụ đông.

Ngay sau khi các doanh nghiệp ủng hộ tiêu thụ nông sản cho nông dân xã Đông Xá (Đông Hưng), giá bí ở đây tăng trở lại, nhiều tiểu thương đến thu mua bí cho bà con tại ruộng.

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của xã Đông Xá, bà con nông dân tấp nập thu hoạch bí đỏ, bí xanh. Thời tiết vụ đông năm nay thuận lợi nên cây bí phát triển tốt, cho nhiều quả. Theo bà con nơi đây, bình quân mỗi sào bí cho năng suất 6 - 7 tạ quả. 

Bà Trần Thị Thanh Hoài, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Xá cho biết: Vụ đông năm nay toàn xã có hơn 180ha cây vụ đông, trong đó có hơn 100ha bí các loại. Hiện đang vào thời kỳ cao điểm thu hoạch bí, mỗi ngày nông dân thu về từ 9 - 12 tấn quả; ước tính năm nay bà con thu được khoảng trên 150 tấn bí các loại.

Chưa kịp hưởng niềm vui được mùa, bà con nông dân xã Đông Xá đã phải lo việc tiêu thụ và giá rớt thê thảm. Bà Hà Thị Thắm, thôn Đông Bình Cách chia sẻ: Vụ này nhà tôi trồng 7 sào bí. Đầu vụ thu hoạch, bí bán được giá 5.000 đồng/kg ai cũng mừng, nhưng được 1 - 2 tuần thì giá bắt đầu giảm. Đỉnh điểm là tuần đầu tháng 11, thương lái ép giá xuống còn 2.500 đồng/kg, nếu bán cho họ thì chúng tôi không có tiền công lao động mà không bán, để lâu bí hỏng thì đổ đi còn mất cả vốn đầu tư giống, phân bón. Buồn vì giá thấp đã đành, chúng tôi còn lo không bán được vì thương lái thu mua số lượng thấp. 

Còn chị Mai Thị Ngoan, thôn Tây Bình Cách thì cho biết: Gia đình tôi trồng 1 mẫu bí các loại. Riêng tiền phân bón từ đầu vụ đến nay đã chi hết hơn 4 triệu đồng. Chúng tôi rất lo không tiêu thụ được, quả để già cây bí sẽ nhanh già cỗi, bị thất thu thì vụ tới không có tiền để đầu tư nữa.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình cảnh được mùa, mất giá và khó tiêu thụ nông sản, Giám đốc HTX Trần Thị Thanh Hoài giải thích: Một phần là thời tiết thuận lợi, các loại rau màu vụ đông cho sản lượng cao nên nhu cầu tiêu dùng đối với loại bí quả giảm. Song, nguyên nhân chính là có tình trạng tiểu thương bắt tay nhau thao túng thị trường để ép giá bà con nông dân. Khi vận động nông dân phát triển cây bí vụ đông, HTX SXKD DVNN xã Đông Xá đã hợp đồng với một số doanh nghiệp chế biến, kinh doanh bao tiêu cho bà con theo giá thỏa thuận. Tuy nhiên, đầu vụ thu hoạch một số tiểu thương nâng giá cao để tranh giành mua, nhiều bà con ham lợi trước mắt bán cho thương lái, không bán cho HTX dẫn đến phá vỡ hợp đồng cung ứng. Doanh nghiệp không thu mua nên sản lượng vượt khả năng nhu cầu của tiểu thương và họ gây sức ép về giá.

Trước những khó khăn trong đầu ra tiêu thụ, cấp ủy, chính quyền, HTX SXKD DVNN xã Đông Xá đã nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh giới thiệu nông sản, kêu gọi tiểu thương trong và ngoài xã đến thu mua, địa phương đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mời gọi các doanh nghiệp “giải cứu” nông sản giúp bà con nông dân. 

Ông Nguyễn Quang Thưởng, Chủ tịch UBND xã Đông Xá cho biết: Được sự chung tay vào cuộc của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ngay trong ngày 16/11, chúng tôi đã giúp bà con nông dân tiêu thụ được gần 20 tấn bí các loại với giá trị gần 60 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tiếp tục mua giúp bí cho bà con đến hết vụ đông năm nay, nông dân ai cũng phấn khởi.

Chỉ sau 2 ngày, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã vận động được hơn 10 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể công nhân hưởng ứng mua bí của nông dân xã Đông Xá. Tiêu biểu như Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor mua 3 tấn, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng mua 3 tấn, Công ty Cổ phần Sợi Trà lý mua 2 tấn, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ mua 2 tấn, Công ty TNHH Bao bì Hương Sen mua 2 tấn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình mua 2,5 tấn, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed mua 1 tấn, Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình mua 1 tấn...

 Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor chia sẻ: Bà con nông dân một nắng hai sương vất vả làm lụng từ 2 - 3 tháng mới được thu hoạch cây màu vụ đông. Thấy bà con có nguy cơ bị thiệt hại vì giá nông sản thấp và khó tìm được đầu ra chúng tôi rất xót xa nên đã chung tay hỗ trợ bà con tiêu thụ, nhất định không để công sức, tiền bạc của bà con nông dân đổ xuống sông, xuống biển.

Điều đáng mừng là ngay sau khi các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân xã Đông Xá, giá thu mua bí đỏ, bí xanh của bà con lại có dấu hiệu tăng lên và nhiều tiểu thương ở cả trong, ngoài xã đến tận ruộng thu mua cho bà con. 

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Thưởng cho biết thêm: Qua đợt hỗ trợ tiêu thụ nông sản này, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chế biến, sử dụng nên trực tiếp ký hợp đồng mua bán với bà con nông dân hoặc thông qua đầu mối HTX, hạn chế mua qua thương lái để giảm chi phí khâu trung gian vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho nông dân. Chúng tôi cũng hy vọng bà con nông dân thấy rõ được những tác hại của việc làm ăn chộp giật, tham lợi trước mắt mà đánh mất lợi ích lâu dài khi thực hiện hợp đồng sản xuất, cung ứng nông sản cho doanh nghiệp có ký kết bao tiêu. Bên cạnh đó, bà con cũng nên tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa quy mô lớn đủ điều kiện cung ứng nông sản cho doanh nghiệp, có như vậy thì sản xuất nông nghiệp mới cho hiệu quả cao và bền vững.

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp trực tiếp đến xã Đông Xá tiêu thụ bí cho bà con nông dân. 

Hà Thanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày