Thứ 3, 05/11/2024, 05:29[GMT+7]

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Kiến Xương

Thứ 7, 31/12/2022 | 18:52:06
5,374 lượt xem
Phát triển nông nghiệp hiện đại là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cùng với vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Kiến Xương đã triển khai nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Máy gặt liên hợp công nghệ cao của HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh (Kiến Xương).

Một trong những người tiên phong trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiện đại ở Kiến Xương là ông Nguyễn Thái ở xã Bình Định. Ông đã đầu tư hơn 700 triệu đồng chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lưới từ năm 2017. Mô hình có trên 1.000 gốc dưa chuột và 2.000 gốc dưa lưới được trồng 3 vụ/năm với diện tích 1.500m2 trong nhà màng theo quy trình khép kín, bảo đảm an toàn từ khâu chăm sóc đến thu hoạch. Đặc biệt nhất của mô hình là hệ thống tưới nước, tưới phân và phòng trừ sâu bệnh đều tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, được cài đặt trên điện thoại thông minh có thể điều khiển chăm sóc cây ở bất kỳ thời điểm, vị trí nào. Tất cả khâu chăm sóc đều tự động nên không mất nhiều công lao động.

Theo ông Thái, dưa lưới có 3 giai đoạn phát triển, từ nhỏ đến khi có hoa, từ hoa đến đậu quả, cuối cùng là giai đoạn tạo ngọt, đây là giai đoạn quyết định đến năng suất, giá trị cây trồng do đó phải tưới kali để tạo ngọt và phải đo nồng độ đường đạt tiêu chuẩn mới cho ra thị trường. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm sạch, kiểm soát chặt chẽ mọi vấn đề mới đưa được vào siêu thị. Khắt khe là thế song mỗi năm ông Thái bán được 12 tấn dưa lưới, 6 tấn dưa chuột, trừ chi phí thu lãi 270 triệu đồng. Riêng năm 2022 là năm được mùa nhất bởi năng suất đạt cao, số lượng và cân nặng của quả đều tăng, riêng dưa lưới đạt trên 13 tấn, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng.

Ở xã Thanh Tân có mô hình trồng dưa trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, thôn Tử Tế cho biết: Với mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng, tôi đã thuê lại ruộng, đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng 1.000m2 nhà màng theo công nghệ của Israel để trồng 2.300 gốc giống dưa chuột Maya. Đây là giống dưa cho năng suất, giá trị dinh dưỡng cao hơn dưa thường, chỉ sau 30 ngày trồng đã cho thu hoạch, hái quả liên tục trong 40 ngày. Với giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, tính bình quân sau 70 ngày tôi thu về 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 70 triệu đồng. Việc trồng dưa trong nhà màng giúp chống lại sự xâm nhập và phá hoại của các loại sâu bệnh, côn trùng, ổn định các yếu tố thời tiết, giúp hạn chế các tác động từ bên ngoài môi trường lên cây trồng. Ngoài ra, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel giúp tiết kiệm nước, nhân công lao động. Đây đang là bước tiến tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Ở Kiến Xương, ngoài một số mô hình trồng dưa lưới, dưa chuột trong nhà màng còn có một số cá nhân, HTX ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật nhất là HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh. 

Chị Trần Thị Lanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX bộc bạch: Bản thân tôi luôn đau đáu với đồng ruộng, đam mê với cây lúa nên tôi quyết tâm làm bằng được để biến những mảnh ruộng bỏ hoang, không hiệu quả trở nên có giá trị đúng với nghĩa “bờ xôi ruộng mật” vốn có. Từ ngày chưa thành lập HTX tôi đã áp dụng triệt để cơ giới hóa để thay thế hình thức sản xuất truyền thống, giảm sức lao động, chi phí, tăng năng suất, hiệu quả cây trồng. Tính đến nay tôi đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng vào các loại máy hiện đại như 4 máy cấy ngồi lái, 1 máy gặt liên hợp công nghệ cao, 2 máy làm đất cỡ lớn, 2 máy gieo mạ, 1 máy bón phân, lò sấy công suất 35 tấn/mẻ, 3 vạn khay mạ, băng tải vận chuyển mạ… Trong đó, máy gặt chỉ cần một nhân công là có thể vừa lái máy vừa xả thóc khi đầy thùng, không cần thêm nhân công đóng bao, giúp tiết kiệm được nguồn lao động. Đây cũng là HTX có hệ thống máy móc hiện đại nhất trong tỉnh hiện nay, đánh dấu bước đột phá về việc cơ giới hóa trên đồng ruộng.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của chị Đỗ Thị Thanh Huyền, thôn Tử Tế, xã Thanh Tân (Kiến Xương).

Ngoài ra, chị Lanh và HTX còn thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm, bình quân mỗi vụ xuất bán 300 tấn thóc đi các tỉnh. Chính vì thế, chị Lanh không những duy trì gieo cấy 100ha lúa của nhà, của HTX mà còn làm dịch vụ 100ha cho bà con các xã lân cận, đem lại doanh thu trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Kết hợp máy móc hiện đại và kinh nghiệm của các thành viên làm nông nghiệp lâu năm, HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh hướng tới sẽ sản xuất sản phẩm gạo hữu cơ đóng túi để bán đem lại lợi nhuận cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Những bước khởi đầu mà các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đem lại cho thấy đây là hướng sản xuất hiện đại, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế và phù hợp với xu hướng phát triển. Để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu của thị trường, huyện Kiến Xương xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Đây đều là những người dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Họ không đơn thuần sản xuất nông nghiệp mà còn đang làm kinh tế nông nghiệp, thực hiện được quy trình sản xuất khép kín, có thị trường tiêu thụ và đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch, mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hiện đại ở địa phương.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày