Thứ 4, 01/01/2025, 14:54[GMT+7]

Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nuôi trồng thủy sản

Thứ 4, 18/01/2023 | 08:49:22
6,916 lượt xem
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) vụ xuân hè năm 2023, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực hướng dẫn người dân cải tạo ao, đầm, bãi triều, lồng, bè đúng kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi.

Đối với ao lót bạt hoặc đổ bê tông, tiến hành tháo cạn nước, đánh sạch chất bẩn, sử dụng chlorine để khử trùng ao nuôi theo hướng dẫn.

Vùng chuyển đổi NTTS xã Độc Lập (Hưng Hà) có diện tích 50ha với 36 hộ nuôi. Thời điểm này, trên 80% diện tích đã được người dân cải tạo, chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới. Ông Nguyễn Văn Tiến, xã Độc Lập cho biết: Gia đình tôi có 1 mẫu ao tại vùng chuyển đổi, nuôi thả các loại cá truyền thống. Ngay sau khi thu hoạch cá, tôi tát cạn nước, gia cố lại bờ ao tránh rò rỉ, nạo vét bùn loãng và rắc vôi sống ngâm ao để diệt khuẩn, ổn định pH, sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy các hợp chất hữu cơ đáy ao, làm giàu vi sinh vật có lợi, hạn chế khí độc. Ao sau khi được khử trùng sẽ bơm nước vào ngâm khoảng một tháng nhằm ổn định môi trường ao nuôi sau đó mới tiến hành thả cá giống.

Để có vụ tôm thắng lợi, bên cạnh việc tự bổ sung những kiến thức về nuôi thả thủy sản, anh Đỗ Văn Trình, xã Thái Thượng (Thái Thụy) cũng rất tích cực trong việc cải tạo ao để giảm thiểu dịch bệnh cho tôm. Anh Trình cho biết: Tôm là đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh. Vì vậy, việc cải tạo, khử trùng ao đầm là rất cần thiết. Ngay sau khi thu hoạch xong toàn bộ diện tích nuôi tôm, tôi rút hết nước trong ao, dọn vệ sinh đáy ao. Đáy ao thường được làm dốc và có một hố giữa ao được đào sâu hơn mặt đáy gọi là “rốn ao”, đây là nơi tập trung tạp chất như thức ăn thừa, chất thải của tôm trong quá trình nuôi. Thiết kế “rốn ao” giúp xử lý chất thải nhanh hơn. Sau khi xử lý chất thải sẽ tiến hành phơi khô đáy ao, rắc vôi bột để khử trùng sau đó lấy nước vào ao, tiếp tục ngâm trong khoảng một tuần mới tiến hành tháo nước ra. Việc xử lý ao nuôi trước khi nuôi thả vụ mới không tốn kém nhiều chi phí song rất quan trọng, hạn chế khả năng tôm bị nhiễm bệnh trong quá trình nuôi.

Theo kế hoạch, vụ xuân hè, diện tích NTTS toàn tỉnh khoảng trên 15.000ha. Để thực hiện tốt kế hoạch NTTS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về kỹ thuật cải tạo ao, đầm và lịch thời vụ NTTS. Đồng thời, phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương, HTX tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người NTTS tập trung cải tạo ao đầm, bãi triều, lồng bè đúng kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu đối tượng, mật độ thả giống; vận động các hộ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, bảo đảm việc xuống giống đúng thời vụ. 

Bà Trần Thị Chiên, Chi cục Thủy sản cho biết: Việc cải tạo ao đầm giúp loại bỏ nguồn bệnh, chất thải từ quá trình nuôi, những đối tượng địch hại khỏi ao nuôi từ đó hạn chế dịch bệnh; giúp khoáng hóa nền đáy ao, tạo cơ sở thức ăn ban đầu cho đối tượng nuôi. Thời gian thực hiện cải tạo ao đầm, bãi triều, lồng bè bắt đầu từ tháng 1 đến ngày 15/3, riêng vùng nuôi thủy sản nước ngọt nội đồng kết thúc cải tạo trước ngày 10/2 để kịp lấy nước vào ao theo lịch cấp nước đổ ải vụ đông xuân. Khung lịch thời vụ thả giống tôm tập trung từ tháng 4 đến tháng 5; đối với các thủy sản nuôi khác, thời gian thả giống trước hoặc sau thanh minh từ 5 - 7 ngày, khi nhiệt độ ổn định. Các địa phương có vùng nuôi thủy sản tập trung cần đầu tư nguồn lực nạo vét hệ thống kênh mương, tu sửa, nâng cấp hệ thống bờ, cống, kênh mương trục chính vùng nuôi, thu gom, xử lý chất thải theo quy định. Người nuôi trồng cần thực hiện các biện pháp cải tạo ao đầm, bãi triều, vệ sinh lồng bè theo hướng dẫn: tiến hành tát cạn, gia cố bờ kè tránh rò rỉ, nạo vét bùn loãng và tiến hành phơi ao (đối với ao tháo được kiệt nước) hoặc sử dụng vôi sống ngâm ao để diệt khuẩn, ổn định pH (đối với ao không tháo được kiệt nước) sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy các hợp chất hữu cơ đáy ao, làm giàu vi sinh vật có lợi, hạn chế khí độc. Đối với ao lót bạt hoặc đổ bê tông, tiến hành tháo cạn nước, đánh sạch chất bẩn, sử dụng chlorine để khử trùng ao nuôi theo hướng dẫn... Đối với bãi triều, sau khi thu hoạch ngao, người dân tính toán lịch con nước tiến hành cày lật, sục rửa mặt bãi để giải phóng khí độc, tăng độ tơi xốp, tu sửa vây lưới, san phẳng mặt bãi trước khi thả giống. Với lồng bè, sau mỗi đợt thu hoạch đưa toàn bộ lồng lưới, lưới chắn lên bờ vệ sinh sạch sẽ, dùng nước vôi hoặc thuốc tím với lượng 3 - 5mg/l ngâm 3 - 5 ngày để diệt khuẩn; kiểm tra, tu sửa hoặc thay mới khung, lồng, lưới, bè nuôi bảo đảm an toàn lồng, bè trước khi thả giống vụ nuôi mới.

Ngoài ra, để vụ nuôi xuân hè đạt được hiệu quả cao nhất và thực hiện thắng lợi kế hoạch NTTS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo hoạt động sản xuất và cung ứng giống bảo đảm chất lượng, thời vụ, giá cả hợp lý.

Người dân xã Thái Thượng (Thái Thụy) gia cố đầm chuẩn bị nuôi thả vụ tôm mới.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày