Thứ 3, 05/11/2024, 01:03[GMT+7]

Mạ khay, cấy máy - bước chuyển trong tập quán canh tác lúa

Thứ 3, 07/02/2023 | 08:44:49
3,432 lượt xem
Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2023 toàn tỉnh phấn đấu diện tích lúa cấy bằng máy đạt trên 15.000ha, tăng 2.600ha so với vụ xuân năm 2022 - vụ có diện tích lúa cấy máy cao nhất những năm gần đây. Việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy thể hiện được ưu thế, hiệu quả và được người dân lựa chọn thay thế các hình thức gieo cấy khác.

Gieo cấy lúa xuân tại huyện Vũ Thư.

Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão, hiện nay công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân đang được các địa phương triển khai tích cực, từ việc lấy nước, làm đất, gieo mạ, cấy... Tất cả đều hướng đến việc đẩy nhanh tiến độ để sản xuất vụ xuân đúng khung thời vụ tốt nhất.

Tại xã Phú Châu (Đông Hưng), dịch vụ mạ khay, cấy máy của ông Đặng Tất Tuân đang khẩn trương gieo cấy với 3 máy cấy ngồi lái hoạt động tối đa công suất, đồng thời tiếp tục gieo bổ sung số lượng mạ khay để bảo đảm cấy đủ toàn bộ diện tích lúa gần 200 mẫu. Diện tích mạ đã gieo được chăm sóc, che phủ nilon khi có không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt độ xuống thấp.

Ông Tuân cho biết: Để thực hiện tốt dịch vụ mạ khay, cấy máy theo diện tích ký hợp đồng, tôi đã triển khai công tác chuẩn bị từ sớm. Tôi liên hệ và trực tiếp vào Thanh Hóa kiểm tra chất lượng giá thể gieo mạ khay, chuẩn bị mặt bằng, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa chăm sóc mạ. Vụ xuân năm nay, ngoài 35 mẫu của gia đình, tôi làm dịch vụ cấy trọn gói (gieo mạ, cấy) 150 mẫu cho bà con. Diện tích cấy bằng máy lớn nên việc gieo mạ cũng phải được bố trí hợp lý theo các trà để bảo đảm cấy hoàn thành trong khung thời vụ. Với mức giá 270.000 đồng/sào từ gieo mạ đến cấy, cấy dặm góc ruộng, tiết kiệm từ 70.000 - 100.000 đồng/sào so với việc thuê người cấy thủ công nên nhu cầu cấy máy của người dân tăng theo từng vụ, tuy nhiên, số lượng máy cấy, mặt bằng làm mạ còn nhiều hạn chế nên chưa thể đáp ứng đủ diện tích người dân đăng ký.

Từ nhiều vụ trở lại đây, huyện Đông Hưng là địa phương có diện tích cấy bằng máy lớn nhất tỉnh. Để mở rộng diện tích cấy bằng máy, huyện đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng lúa cấy bằng máy tập trung, thuận lợi tưới, tiêu; kế hoạch sản xuất phải được xây dựng sớm và cụ thể, từ đó chủ động triển khai dịch vụ mạ khay, cấy máy. Địa phương thành lập tổ dịch vụ tại chỗ, hoặc ký hợp đồng với tổ dịch vụ của các địa phương khác. Cùng với đó, tạo điều kiện về mặt bằng để các tổ dịch vụ xây dựng kho bãi, tập kết giá thể, nơi để và chăm sóc khay mạ...

Vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu trên 15.000ha lúa được cấy bằng máy.

Năm 2022, toàn tỉnh có 27.759ha lúa cấy bằng máy, cao hơn gần 10.000ha so với năm 2021, trong đó vụ xuân 12.400ha, vụ mùa 15.359ha. Ngoài sự năng động, nhạy bén của các HTX DVNN, không thể không kể đến đóng góp của các cá nhân tích tụ ruộng đất. Đây chính là những điển hình đi đầu trong áp dụng cơ giới hóa, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đầu tư 4 máy cấy ngồi lái, 1 máy gặt không cần người đóng thóc mà phun thẳng vào thùng chứa, 2 máy làm đất cỡ lớn, 2 máy gieo mạ, 1 máy bón phân, lò sấy công suất 35 tấn/mẻ, 3 vạn khay mạ..., tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng, ông Đặng Văn Quang, xã Bình Minh (Kiến Xương) tích tụ 100ha ruộng. Ngoài ra ông còn làm dịch vụ cho người dân với diện tích trên 100ha. 

Ông Quang chia sẻ: Nhiều nông dân đã chủ động tìm đến các chủ máy cày, máy gặt tại địa phương yêu cầu họ mua máy cấy về làm dịch vụ đồng bộ, gồm: làm đất - gieo cấy - thu hoạch để giảm chi phí nhân công, đáp ứng được thời vụ mà lại tăng thu nhập cho cả chủ máy và người nông dân, như vậy sẽ có lợi cho tất cả các bên. Nông dân vào vụ kịp thời và đúng lúc, thu hoạch đúng độ chín của cây lúa không lo thất thoát sau thu hoạch và quan trọng hơn hết là bảo đảm đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp. Tôi đã mua máy cày và máy gặt thương hiệu Yanmar sử dụng đến nay vẫn tốt, khâu hậu mãi cũng rất tốt nên khi mua máy cấy tôi tiếp tục chọn dòng máy của Yanmar, vì có nhiều chủng loại khác nhau, tích hợp nhiều công đoạn như cấy kết hợp bón phân lại có giàn gieo mạ tự động đi kèm, khay gieo mạ... nhờ đó bảo đảm được thời vụ.

Việc gieo mạ được ông Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu (Đông Hưng) bố trí hợp lý theo các trà để bảo đảm hoàn thành cấy trong khung thời vụ.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, lúa cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đồng đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường; năng suất lúa tăng từ 10 - 15% so với cấy bằng tay. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các hợp tác xã quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún. Chính sách hỗ trợ của tỉnh chính là động lực để các cơ sở sản xuất mạ khay mở rộng quy mô sản xuất trong các năm tới. Bước đầu các hộ nông dân tham gia mô hình cấy lúa bằng máy đã có thay đổi nhận thức, giải quyết tình trạng bỏ hoang ruộng đất ngày một tăng trong những năm gần đây.

Áp dụng phương pháp lúa cấy bằng máy là yêu cầu tất yếu của phát triển sản xuất. Việc chuẩn bị từ sớm các điều kiện cho mùa vụ giúp bảo đảm cả chất lượng và diện tích lúa cấy bằng máy và giảm giá thành, nâng cao năng suất, hiệu quả trên đồng ruộng, nhất là giải quyết tốt được khó khăn thiếu lao động thời vụ khu vực nông thôn hiện nay.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày