Đông Long: Giữ vững “lá phổi xanh”
Rừng - sinh kế của người dân
Có dịp về xã Đông Long, chúng tôi thấy dọc tuyến đê biển phủ một màu xanh bạt ngàn của RNM gồm các loại cây bần, sú, vẹt... Những khu RNM hàng chục năm tuổi, cây cao 3 - 5m góp phần tạo cảnh quan và điều hòa khí hậu cho người dân xã ven biển. Đây cũng là nơi trú ngụ của những đàn chim số lượng lớn, dưới tán rừng là hệ sinh thái với tôm, cua, cá, ốc, cáy... RNM góp phần cho cuộc sống người dân Đông Long thêm ổn định, từ đó bà con càng thêm ý thức bảo vệ rừng là bảo vệ “lá phổi xanh”, ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt giúp họ có nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào.
Ông Đặng Văn Nhỡ, tổ trưởng tổ bảo vệ RNM xã Đông Long cho biết: Trước đây khu vực biển xã Đông Long là vùng hoang sơ, thường xuyên xảy ra tình trạng xói lở đê biển, đe dọa sự an toàn của người dân và các công trình hạ tầng của nhà nước. 15 năm trở lại đây, nhờ sự tài trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật của nhà nước cũng như nhiều tổ chức xã hội, xã Đông Long đã phủ kín 368ha RNM. Xã đã thành lập 1 tổ bảo vệ rừng có 8 người. Các thành viên của tổ được phân khu vực để giám sát, bảo vệ rừng. Hàng tuần vào ngày thứ hai, tổ giao ban, báo cáo tình hình, triển khai nhiệm vụ, phương án bảo vệ rừng.
RNM phát triển trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại chim, tôm, cua, cá, ốc, cáy... Người dân được hưởng lợi từ RNM, từng bước nâng cao thu nhập từ khai thác nguồn thủy sản tự nhiên và nuôi ong dưới tán rừng.
Ông Bùi Văn Thuấn, thôn Nam, xã Đông Long chia sẻ: Nhờ có RNM mà đời sống của người dân được ổn định. Chúng tôi mừng lắm vì rừng nuôi sống chúng tôi. Trước đây gia đình tôi nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào đi biển nên thu nhập bấp bênh. Hiện nay, hàng ngày người dân trong xã vào rừng bắt tôm, cua, cá... Riêng tôi mỗi ngày thu được 400.000 đồng từ bắt cua, cáy, vạng, tôm, cá. Một điều đáng mừng là khu vực rừng xã Đông Long đã xuất hiện thêm một số loài cá, tôm, ốc mà 2 - 3 năm trước không thấy. Đây là tín hiệu vui đối với hệ sinh thái cũng như những người bám sông nước mưu sinh như chúng tôi.
Tiếp tục chung tay bảo vệ rừng
RNM đã góp phần bảo vệ các tuyến đê, giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên, nâng cao ý thức cho người dân trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhớ lại những ngày đầu triển khai dự án phục hồi và phát triển RNM ven biển, ông Vũ Văn Hạnh, cán bộ địa chính xã Đông Long vẫn chưa quên việc không ít người dân vẫn còn băn khoăn liệu dự án triển khai có thành công và mang lại hiệu quả kinh tế...
Ông Hạnh chia sẻ: Giờ đây, người dân địa phương thật sự vui mừng khi RNM trở thành “lá phổi xanh” tạo không gian xanh mát, đồng thời giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản, trở thành nơi trú ngụ, sinh sôi của các loại tôm, cua, cá..., mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Từ thành công của dự án, đến thời điểm này xã Đông Long đã quy hoạch 835ha để phát triển RNM, trong đó diện tích rừng trồng tập trung 268,8ha.
Ông Phạm Văn Thượng, Chủ tịch UBND xã Đông Long chia sẻ: Khi các dự án phát triển RNM hoàn thành đã bàn giao cho địa phương quản lý, người dân được hưởng lợi là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm lớn đối với chính quyền và người dân. Với quyết tâm cao của chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, bà con đã hiểu và chung sức với chính quyền trong nhiệm vụ bảo vệ rừng. Các chương trình, dự án trồng rừng và hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng không ngừng được nối dài, giúp RNM phát triển bền vững. Không chỉ là “lá phổi xanh”, RNM còn là môi trường sống thích hợp cho các loài thủy sản, mang lại nguồn lợi khai thác thủy sản ổn định cho khoảng 1.000 hộ dân. Đời sống người dân vì vậy cũng được nâng lên, trung bình mỗi đêm đánh bắt thủy sản trong RNM mang lại thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/người.
Để bảo vệ “lá phổi xanh” và sinh kế bền vững cho người dân, thời gian tới xã Đông Long sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về vai trò, giá trị của RNM; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái RNM, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Mạnh Thắng
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật, nghị quyết
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm