Thứ 7, 23/11/2024, 10:25[GMT+7]

Xây dựng các mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị

Thứ 4, 30/08/2023 | 09:30:39
2,677 lượt xem
Khuyến nông là một mắt xích quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động khuyến nông thời gian qua đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, các mô hình theo chuỗi giá trị làm lợi rõ nét, tạo hiệu ứng tốt trong nông dân, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Mô hình “Chăn nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên thương phẩm an toàn theo chuỗi” triển khai tại hộ ông Ngô Văn Luân, xã Thái Phúc (Thái Thụy).

Xác định việc xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị là hướng đi chủ chốt, góp phần xây dựng các sản phẩm OCOP, hoàn thành tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã xây dựng thành công các mô hình điểm, đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho hộ, nhóm hộ sản xuất. Các mô hình không chỉ dừng lại là mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà đã được định hướng chuyển dịch theo hướng gắn với việc tư vấn tổ chức lại sản xuất, liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã ngành hàng nhằm tiêu thụ sản phẩm ổn định và phát triển sản xuất bền vững; vì vậy, hiệu quả từ các mô hình khuyến nông đã được khẳng định rõ nét hơn. 

Điểm nổi bật trong các mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai là từ năm 2017 đến năm 2019 mô hình chăn nuôi giống vịt biển 15 - Đại Xuyên đã lựa chọn và đưa giống vịt biển phát triển thành thương hiệu của quê lúa Thái Bình. Đây là giống có nhiều ưu thế như khả năng thích nghi tốt hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu (vùng đất xâm nhập mặn gia tăng); năng suất thịt, trứng cao hơn, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (Tiền Hải) đã xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm thịt và trứng vịt biển được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đã mở ra hướng chăn nuôi giống vịt mới phù hợp vùng nước mặn, lợ. 

Ông Đào Minh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Tiếp nối thành công mô hình chăn nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên tại xã Đông Xuyên, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên thương phẩm an toàn theo chuỗi” tại 2 xã của huyện Thái Thụy với mục tiêu hướng dẫn các hộ thực hiện chăn nuôi an toàn, khoanh vùng kiểm soát, hạn chế mầm bệnh lây lan và ô nhiễm môi trường; tạo ra sản phẩm vịt thịt chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Các hộ tham gia mô hình thực hiện đồng loạt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc- xin cho đàn vịt, toàn bộ chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý, khu vực chăn nuôi được vệ sinh sạch sẽ, định kỳ tiêu độc, khử trùng nên đã đem lại hiệu quả tích cực về môi trường, hạn chế ô nhiễm và lây lan dịch bệnh. Toàn bộ đàn vịt mô hình đã được HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên thu mua theo hợp đồng ký kết. Mô hình cho thu lãi gần 40 triệu đồng, từng bước chuyển đổi từ quy mô chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Bám sát định hướng phát triển sản xuất lúa chất lượng cao (phấn đấu chiếm 60% cơ cấu giống lúa hàng năm), vụ mùa năm 2022, Trung tâm Khuyến Thái Bình nông đã xây dựng mô hình “Sản xuất lúa chất lượng cao có liên kết, tiêu thụ sản phẩm” tại xã Minh Tân (Kiến Xương). 

Ông Bùi Công Ân, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Minh Tân cho biết: Đây là vụ lúa đầu tiên bà con trong thôn Nguyệt Giám được tiếp cận với mạ khay, máy cấy mới nên trong quá trình thực hiện giai đoạn đầu có khá nhiều khó khăn vì bà con còn tâm lý e ngại khi thấy mật độ cấy thưa. Công tác chăm sóc, bón phân, bảo vệ thực vật trong mô hình được thực hiện đồng loạt, mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm sau khi thu hoạch được HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh thu mua toàn bộ. Hạch toán, mỗi hộ gia đình tham gia mô hình sử dụng giống chất lượng cao Đài thơm 8, bón phân đúng theo quy trình kỹ thuật sau khi trừ các chi phí lợi nhuận thu được 4,5 triệu đồng/ ha, tăng 9,7% so với giống lúa chất lượng cao sản xuất đại trà. Đặc biệt, mô hình bước đầu giúp bà con thay đổi thói quen từ gieo thẳng sang cấy máy, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa có liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập, yên tâm sản xuất và tiếp tục mở rộng các năm tiếp theo. 

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Thời gian qua, bám sát định hướng của ngành nhằm phát triển nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, hoạt động khuyến nông giai đoạn này đã chú trọng hỗ trợ các đối tượng nông dân sản xuất hàng hóa, áp dụng kỹ thuật thâm canh hợp lý và ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào sản xuất. Các chương trình khuyến nông về áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), phát triển mạnh trồng cây dược liệu; cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được triển khai rộng rãi và đạt kết quả khá tốt. Nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tri thức hóa nông dân gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân; phân loại các hộ nông dân để có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau; xây dựng một số mô hình “sáng tạo đổi mới” trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân; nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho nông dân.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày