Thứ 3, 26/11/2024, 01:45[GMT+7]

Tăng thu nhập nhờ nuôi tôm công nghệ cao

Thứ 2, 06/11/2023 | 09:03:53
5,741 lượt xem
Thành lập năm 2021, HTX Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt (Thái Thụy) chứng minh việc nông dân ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm đã tạo nên sự khác biệt.

Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi đầu tư hạ tầng vùng nuôi lớn.

Với 7 ao nuôi tổng diện tích 1ha, anh Tạ Văn Diễn, xã Thái Đô (Thái Thụy), thành viên HTX Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt đã có 6 năm nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, khi HTX thành lập, anh Diễn tiên phong tham gia để học hỏi, nâng cao kỹ thuật nuôi. Anh cho biết: Không chỉ là nơi chia sẻ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm, HTX còn hướng dẫn chúng tôi chủ động luân canh giữa các vụ nuôi nhằm tái tạo chất lượng môi trường ao nuôi, loại bỏ mầm bệnh của vụ trước để hạn chế dịch bệnh. Thành viên cũng được mua con giống, thức ăn chăn nuôi uy tín nhằm hạn chế rủi ro, tổn thất trong quá trình nuôi.

HTX hiện có 7 thành viên là các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Thái Thượng, xã Thái Đô. Diện tích nuôi tôm của HTX đều sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn tôm. 

Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi tôm của mình, anh Nguyễn Xuân Sứ, Giám đốc HTX cho biết: Nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng là nghề truyền thống của các xã ven biển. Tuy nhiên, nuôi quảng canh tiềm ẩn nhiều rủi ro do khó kiểm soát dịch bệnh, sản lượng thấp và tốn nhiều nhân công. HTX thành lập là “ngôi nhà chung” cho anh em nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để thực hiện thành công theo hướng này đòi hỏi đầu tư nhiều chi phí. Ngoài chỉnh trang hạ tầng vùng nuôi còn trang bị thêm rất nhiều thiết bị phụ trợ như: máy tạo oxy, máy quạt, bạt lót... Với hình thức nuôi quảng canh, mật độ thả nuôi thường 60 con/m2 thì ao nuôi ứng dụng công nghệ cao thả từ 150 - 300 con/m2. Mặt khác, kích cỡ tôm thu được từ nuôi công nghệ cao sẽ tăng lên, trung bình từ 20 - 25 con/kg, nuôi truyền thống từ 45 - 50 con/kg, khi đó giá thành tôm có kích cỡ lớn cũng cao hơn tôm nhỏ. Nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao có thể nuôi từ 3 - 4 vụ/năm, mỗi vụ từ 3 - 4 tháng. Thông thường, khi tôm nuôi sang tháng thứ ba, người nuôi đã xuống giống lứa mới, ương nuôi ở các ao phụ trợ. Do vậy, nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi quảng canh.

Hiệu quả là vậy nhưng theo chia sẻ của anh Sứ, ngoài chi phí đầu tư lớn, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Anh cho biết: Chúng tôi thường nói “nuôi tôm là nuôi nước” bởi hiệu quả nuôi phụ thuộc lớn vào môi trường nuôi, đặc biệt là chất lượng nước. Nếu như nuôi tôm quảng canh, 100% diện tích ao nuôi được sử dụng để ương dưỡng, nuôi tôm thì nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao chỉ sử dụng khoảng 30% diện tích cho nuôi trực tiếp. Diện tích còn lại bố trí ao ương tôm giống, đặc biệt là hệ thống ao lắng để lọc sinh học và xử lý mầm bệnh trước khi cấp nước vào ao nuôi. Với cách làm này tránh được rủi ro về dịch bệnh từ nguồn nước, đất. Tham gia HTX, thành viên phải thực hiện đúng quy trình sản xuất thời vụ, bảo đảm con tôm sản xuất ra sạch. Chính vì thế, tôm thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó với giá bán ổn định từ 200.000 - 230.000 đồng/kg tùy kích cỡ tôm.

Việc chuyển từ cách nuôi truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro sang mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao có hợp tác, liên kết như hướng đi của HTX Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt là xu thế tất yếu để ngành thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày