Thứ 4, 01/05/2024, 05:54[GMT+7]

Kiến Xương: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất

Thứ 5, 22/02/2024 | 16:33:40
1,354 lượt xem
Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp đang là một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương và nông dân huyện Kiến Xương tích cực triển khai. Qua đó không chỉ góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác mà còn từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.

Ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý đưa mạ khay cấy máy xuống đồng ruộng.

Thay đổi tập quán canh tác       

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn 4, xã Vũ Quý thăm mô hình sản xuất của ông Đỗ Văn Dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại điền tỉnh thấy rõ lợi ích của cơ giới hóa. Ông Dân chia sẻ: Trước đây, tôi chủ yếu đi làm thuê cho bà con, còn bây giờ tôi lại trở thành ông chủ trên những cánh đồng rộng hàng trăm mẫu. Để làm được điều này, tất cả là nhờ áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất. Thời gian đầu do nguồn vốn còn hạn hẹp nên chỉ sắm được những chiếc máy Nhật cũ khoảng 35 - 40 triệu đồng nhưng đó cũng là “chiếc cần câu cá” lớn nhất ngày đó và trở thành động lực để tôi tiếp tục đầu tư đến nay lên tới gần 10 tỷ đồng vào máy móc công nghệ hiện đại.

Cũng nhờ mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất mà ông Dân trở thành một trong những chủ đại điền lớn nhất ở huyện Kiến Xương và giúp giảm tình trạng ruộng bị bỏ hoang ở địa phương. Theo ông Dân, để làm kinh tế từ nông nghiệp ngoài tư duy sản xuất, người dân nhất định phải đầu tư vào máy móc, công nghệ mới có thể bảo đảm được chất lượng sản phẩm và thời vụ. Điển hình như vụ xuân này với diện tích 260 mẫu, ông đã huy động 6 máy cấy, 7 máy cày, gieo 20.600 khay mạ để kịp thời vụ. Nếu làm thủ công với diện tích trên chắc chắn sẽ không làm nổi, chỉ tính riêng cấy sẽ phải huy động nhiều người làm trong một tháng cũng chưa chắc đã hoàn thành nhưng ông chỉ làm trong 15 ngày đã xong toàn bộ diện tích. Hay ở khâu thu hoạch, nếu chưa có máy móc chắc chắn phải mất 1,5 tháng nhưng giờ chỉ cần làm trong 15 ngày cũng xong hết toàn bộ. Nhờ có máy móc hiện đại, chi phí ngày công sẽ giảm, nhất là thay thế sức người ở những công việc nặng nhọc. 

Ông Vũ Văn Thạch, tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Kiến Xương bộc bạch: Để làm giàu từ nông nghiệp, từ năm 2015 tôi đã đưa máy móc hiện đại vào sản xuất trên diện tích của nhà và làm dịch vụ cho người dân. Khi có điều kiện kinh tế, tôi tiếp tục đầu tư hoàn thiện từ khâu làm đất, gieo mạ khay, cấy máy để không mất nhiều công sức, vừa tiết kiệm thời gian vừa bảo đảm khâu lịch thời vụ. Với hệ thống máy móc, hiện nay một ngày tôi có thể bừa được 20 mẫu ruộng, cấy được từ 5 - 9 mẫu lúa. Tính cả thời gian di chuyển máy từ cánh đồng này sang cánh đồng khác chỉ trong khoảng 1 tuần sẽ cấy xong toàn bộ 40 mẫu lúa xuân cho bà con.

Bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX SXKD nông sản Quang Lanh đưa máy cấy xuống đồng.

 Nâng cao hiệu quả sản xuất

 Bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX SXKD nông sản Quang Lanh cho biết: Để đầu tư máy móc với số tiền lớn cùng một lúc sẽ ít nông dân có khả năng về vốn để làm được, vì thế phải đầu tư dần dần. Nhưng khi ứng dụng thì máy móc đã mang lại tiện ích và hiệu quả cao, trở thành động lực để người dân tiếp tục đầu tư. Năm 2015, nhà tôi chỉ làm được 5ha, sau đó mỗi vụ diện tích lại tăng lên nhờ mạnh dạn đầu tư  máy móc để thay thế sức lao động của con người. Tới thời điểm này, mỗi vụ tôi đã làm tới gần 200ha do đã đầu tư khoảng 8 tỷ đồng vào hệ thống máy móc. Từ đó, tôi đã chủ động được hoàn toàn từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, đến khâu thu hoạch, sấy khô và đóng gói sản phẩm. Từ ngày mùng 4 tháng Giêng năm nay, tôi đã đưa xuống đồng 3 máy làm đất, 4 máy cấy ngồi, 2 giàn gieo mạ để kịp thời vụ. Ngoài ra, tôi còn đầu tư hệ thống xe nâng, giàn sấy, máy bón phân, thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu tạo thuận lợi trong sản xuất. Vì thế, với diện tích trên vụ xuân năm nay, tôi chỉ cần 3 người để làm đất, 8 người lái máy cấy, 7 người vừa cuộn mạ vừa chở mạ ra đồng. Nếu cấy thủ công theo thói quen truyền thống sẽ phải mất hàng tháng, nhưng nhờ có máy cấy nhà tôi chỉ làm trong vòng 10 - 15 ngày. Với hình thức sản xuất đó, bình quân mỗi vụ tôi thu về từ 500 - 600 tấn thóc, thu lãi trên 500 triệu đồng. 

Bà Vũ Thị Thân, tổ dân phố Tiền Tuyến, thị trấn Kiến Xương cho biết: Vụ lúa xuân năm nay nhà tôi cấy 100 mẫu, trong đó 30 mẫu của nhà, còn lại làm thuê cho người dân. Do chủ động được các khâu trong sản xuất nhờ có máy móc hiện đại nên hàng vụ tôi đã không phải thuê nhiều nhân công, lại tự để được giống lúa nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân năng suất vụ xuân thường đạt 2,4 tạ/sào thóc tươi bán với giá 9.800 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm tôi thu về khoảng 1 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Văn Dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại điền tỉnh chia sẻ thêm: Nếu làm thủ công như trước đây chi phí sản xuất lên đến 800.000 đồng/sào, nhưng khi áp dụng cơ giới hóa chỉ mất khoảng hơn 300.000 đồng/sào. Có như vậy, người làm dịch vụ mới có lãi, người dân cũng được hưởng lợi. Cụ thể như công đoạn cấy thủ công giá hiện tại 350.000 đồng/sào nhưng nay nhờ có máy móc để làm đất, gieo mạ, cấy đến thu hoạch, người dân chỉ bỏ ra 520.000 đồng/sào, trong khi công đoạn cấy chỉ cần 2 người ngồi lái máy một ngày cấy được từ 9 -  10 mẫu. Hay như khâu bảo vệ thực vật, nếu thuê người phun thuốc thủ công giá từ 25.000 - 30.000 đồng/bình/sào nhưng phun bằng thiết bị bay không người lái giá 15.000 đồng/sào. Như vậy, chỉ tính riêng về chi phí đã giảm nhiều so với trước đây, người dân đã có lãi nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Vụ xuân năm 2024, huyện Kiến Xương gieo cấy trên 11.000ha, trong đó điểm nổi bật nhất là người dân đã tích cực áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng. Toàn huyện hiện có 539 máy cấy, trong đó có gần 400 máy cấy loại to; đến ngày 20/2 đã cấy được trên 70% diện tích, có khoảng 50% diện tích được cấy bằng máy. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân tiếp tục đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu kết thúc xong trước khung lịch thời vụ đề ra.

                                                                 Thu Thủy  

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày