Chủ nhật, 22/12/2024, 08:35[GMT+7]

Không cho đất nghỉ

Thứ 5, 07/11/2024 | 09:00:32
2,048 lượt xem
500 - 600 triệu đồng/ha/năm, mức thu nghe ra khó tin nhưng là chuyện có thật ở vùng chuyên canh rau màu xã Trung An (Vũ Thư). Nghề trồng rau đã giúp nhiều hộ nông dân nơi đây trở thành triệu phú.

Nông dân xã Trung An (Vũ Thư) trồng rau diếp ngô vụ đông.

Làm giàu từ trồng rau

Về Trung An thời điểm này, trên cánh đồng đâu đâu cũng thấy bà con đang tấp nập thu hoạch, chăm sóc, trồng mới các loại rau nhưng nhiều nhất vẫn là sắc xanh của rau xà lách. 

Anh Vũ Văn Thuật, thôn An Lộc với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng rau màu đã trở thành một trong những triệu phú, “vua trồng rau” nổi tiếng cả vùng. Anh Thuật bộc bạch: Có lẽ thấu hiểu được những khó nhọc, vất vả của người nông dân mà sau bão số 3 trời đất hiền hòa hơn. Những cánh đồng rau màu cũng tươi tốt hơn. Rau được mùa, được giá nên bà con ai cũng phấn khởi bám ruộng, bám đồng, không cho đất nghỉ. Vùng chuyên canh rau màu, bà con thực hiện quay vòng 8 - 9 lần, cho giá trị gấp 7 - 10 lần cấy lúa nên mọi người, mọi nhà thi đua thâm canh tăng vụ. Nhận thấy hiệu quả của làm nông nghiệp sạch, 5 năm nay anh Thuật đã tích tụ gần 3 mẫu ruộng làm rau VietGAP, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động từ 55 - 70 tuổi với thu nhập 7 triệu đồng/người/ tháng.

Còn với nông dân Phùng Văn Sở, thôn An Lộc, rau màu đã giúp gia đình anh có cuộc sống sung túc. Để hơn 4 mẫu rau màu xanh tốt quanh năm, vợ chồng anh bám đồng từ sáng sớm. Anh Sở cho biết: Làm nông nghiệp vất vả lắm nhưng bù lại cũng có “của để dành” nếu yêu đồng ruộng. Trước kia, mỗi khi thu hoạch, việc bán sản phẩm rất khó khăn, nhiều lúc bán đổ, bán tháo hoặc không bán được. Từ khi tham gia HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp xanh xã Trung An, gia đình tôi không còn lo đầu ra sản phẩm. Ngoài các loại rau thường trồng như xà lách, rau diếp ngô, rau gia vị, vụ đông năm nay, gia đình tôi đưa 2 giống cây mới: cà chua bi 4 sào và dưa chuột Nhật 5 sào có liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Sau khi trừ chi phí cũng mang lại nguồn thu cho gia đình hơn 500 triệu đồng/ha.

Rau đạt sản phẩm OCOP 3 sao

Ông Trịnh Văn Điều, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp xanh xã Trung An cho biết: Vùng chuyên canh rau màu xã Trung An với 40ha được nông dân trồng theo nhu cầu của thị trường nên sản phẩm được tiêu thụ nhanh và có giá trị kinh tế cao. Mùa nào cây nấy, nông dân Trung An không cho đất nghỉ nên đồng ruộng bốn mùa xanh tươi. Ranh giới giữa thời vụ chính xuân hè, hè thu và vụ đông hàng năm bị xóa nhòa, bởi bà con nơi đây liên tục trồng luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại cây rau màu. Năm 2022, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, xã Trung An quy vùng, xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha, khoảng 70 hộ dân tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín. Năm 2023, sản phẩm rau xà lách xoăn được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao, đưa vào hệ thống chuỗi siêu thị Go, siêu thị Vincom tại Thái Bình.

Là một người tâm huyết với thực phẩm an toàn, sau nhiều năm tìm hiểu và học hỏi cách trồng các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ..., anh Vũ Văn Thuần - một trong những người trồng rau xà lách xoăn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao thôn An Lộc đã thành công trong ứng dụng công nghệ tiên tiến với hệ thống nhà lưới vào sản xuất các loại rau an toàn. Mục tiêu của anh Thuần là thay đổi tư duy làm nông nghiệp sạch của các hộ nông dân nhằm tạo ra sản phẩm ngon, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng vẫn đậm chất rau vùng Trung An. Hiện ngoài diện tích rau xà lách xoăn đạt sản phẩm OCOP 3 sao thì gần 3 mẫu rau màu của gia đình anh đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để rau VietGAP không bán giá chợ

Những ngày đầu tháng 11, trên những ruộng rau xà lách, diếp ngô, rau gia vị..., người dân Trung An tỉ mẩn nhặt cỏ, bắt sâu bằng tay hoặc dùng chế phẩm tỏi, ớt, gừng phun trừ sâu cho rau. Từ khi trồng theo tiêu chuẩn rau an toàn, trong đó 10ha theo quy trình VietGAP, nông dân xã Trung An trồng rau theo quy trình chuẩn, đất không bị nhiễm độc, nước tưới không bị ô nhiễm, giống cây nguồn gốc rõ ràng, phân bón nằm trong danh mục được phép, không dùng thuốc hóa học bị cấm và ưu tiên dùng thảo mộc hoặc sinh học. Nhưng trăn trở của anh Vũ Văn Thuần cũng như nhiều nông dân xã Trung An là giá rau VietGAP cũng bằng giá rau chợ. 

Anh Thuần cho biết: Làm rau an toàn chi phí đầu vào ngang với sản xuất rau bình thường nhưng vất vả hơn, nhổ cỏ hay bắt sâu chủ yếu thủ công; làm đất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải được sự cho phép từ phía HTX. Vậy nhưng đến khi thu hoạch, rau không được lên kệ siêu thị, phải bán ra chợ giống như rau bình thường. Rõ ràng mình trồng rau an toàn VietGAP nhưng giá lại không tương xứng với công sức bỏ ra và giá trị thật của rau.

Những luống rau VietGAP của gia đình anh Vũ Văn Thuần chuẩn bị cho thu hoạch. 

Theo ông Trịnh Văn Điều, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp xanh xã Trung An, nhờ giá trị cao của rau màu, nhiều nông dân Trung An vẫn miệt mài với đồng ruộng và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Công sức của họ đã được đền đáp xứng đáng khi mức sống ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, để vùng chuyên canh rau màu phát triển bền vững, vấn đề nông dân quan tâm nhất chính là đầu ra cho sản phẩm. Bởi trong vòng đời của cây rau, từ khi xuống giống cho đến lúc bước vào gian bếp của các gia đình thì người dân chỉ chủ động được 1/3 công đoạn, xuống giống, chăm bón đến lúc thu hoạch. Hậu thu hoạch hầu như phụ thuộc vào thương lái và thị trường. Chính vì vậy, HTX đang liên kết với 2 công ty ở Hà Nội nhằm bao tiêu, thu mua sản phẩm cho nông sản sạch của địa phương. Nếu đáp ứng đúng mọi quy trình sản xuất, dự kiến 2 doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm rau VietGAP của Trung An từ đầu năm 2025 với giá cả ổn định.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày