Thứ 2, 25/11/2024, 12:38[GMT+7]

Trồng ấu trên ruộng trũng, hiệu quả cao

Thứ 2, 25/11/2024 | 09:48:55
252 lượt xem
Nhiều năm trở lại đây, sau khi thu hoạch lúa mùa, thay vì bỏ ruộng không, nhiều nông dân ở Quỳnh Phụ đã trồng ấu, không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nông dân xã An Vũ (Quỳnh Phụ) chăm sóc ruộng ấu.

Do diện tích trồng lúa nằm trong vùng úng trũng nên ông Nguyễn Đình Tải, xã An Quý đã học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trong xã để trồng 4 sào ấu. Theo ông Tải, dù là vụ đầu tiên trồng ấu nhưng gia đình ông dự kiến thu được 4 lứa, mỗi lần thu khoảng 3 tạ ấu, hiệu quả cao hơn nhiều so với cấy lúa. Ông chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ cấy vụ mùa nên sau khi thu hoạch đất ruộng bỏ không rất lãng phí. Mặc dù tốn nhiều công sức hơn so với trồng lúa nhưng thu nhập từ ấu cao, lại không phải lo thời tiết, giá cả biến động như các loại cây trồng khác.

Thương lái thu mua ấu của bà con nông dân.

Thay vì trồng giống ấu gai như nhiều hộ dân trong xã, 5 năm trở lại đây, gia đình ông Lê Ngọc Vũ, xã An Vũ lựa chọn trồng giống ấu trụi trên diện tích 15 mẫu ruộng. Ông Vũ cho biết: Đây vốn là diện tích ruộng úng trũng, khó canh tác nên người dân bỏ hoang. Vì tiếc ruộng nên tôi mượn lại của bà con để sản xuất. Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng ấu trụi ở Hải Dương, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định đưa giống ấu này về trồng. Hàng năm, gia đình tôi trồng ấu từ đầu tháng 5 âm lịch đến cuối tháng 9 âm lịch bắt đầu cho thu hoạch. Dù chỉ thu hoạch ấu đến hết tháng 11 âm lịch và thu được 3 lứa/vụ nhưng cho sản lượng 6 tạ/sào. Nhờ đó hàng năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng ấu. 

“Sau thu hoạch, chúng tôi tận dụng rễ, lá cây ấu làm phân hữu cơ bổ sung các chất dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Vì vậy chúng tôi không tốn chi phí bổ sung phân đạm cho cây lúa vụ sau” - bà Nguyễn Thị Diệu, vợ ông Lê Ngọc Vũ chia sẻ.

Xã An Quý hiện có khoảng 5ha trồng ấu, chủ yếu tập trung tại thôn Mai Trang với 4 hộ trồng trên diện tích lớn, tạo việc làm cho 30 lao động nông nhàn.

 Bà Phạm Thị Quyên, xã An Lễ chia sẻ: Năm nay tôi 60 tuổi nên không thể đi làm ở các công ty nên đến vụ ấu tôi lại tranh thủ đi làm thuê cho các hộ trồng ấu trong và ngoài xã. Hiện tại, với ngày công khoảng 160.000 đồng/ngày, tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Ông Trần Văn Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Quý cho biết: Thời gian qua, bà con triển khai trồng ấu trên đất ruộng úng trũng mang lại hiệu quả cao. Mô hình này không chỉ giải quyết được tình trạng hoang hóa đồng ruộng mà còn nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ hội viên tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô trồng ấu; đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ấu. Qua đó giúp hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất. Trong những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên tham quan, học tập mô hình trồng ấu để nhân rộng diện tích trên địa bàn xã. Cùng với đó, chúng tôi lên kế hoạch để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng ấu trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thứ hai của xã.


Nguyễn Triệu

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày