Hiệu quả mô hình gieo thẳng ở Lê Lợi
Nông dân xã Lê Lợi tỉa dặm lúa gieo thẳng vụ xuân năm 2014.
Song, Lê Lợi lại là một trong những xã có diện tích gieo thẳng lúa cao nhất huyện, đạt gần 320 ha, chiếm 80% tổng diện tích gieo cấy. Ông Nguyễn Văn Ca, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Lê Lợi cho biết: Mặc dù Lê Lợi mới chỉ áp dụng phương thức gieo thẳng trong mấy năm gần đây, nhưng đến nay toàn bộ diện tích có chân đất phù hợp đều được các hộ nông dân gieo thẳng lúa ở cả hai vụ trong năm. Bà con nông dân thấy gieo thẳng cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn lúa cấy nên tự giác làm đồng loạt, do đó HTX không phải xây dựng mục tiêu phấn đấu, nhưng vẫn mở rộng được tối đa diện tích theo phương thức sản xuất mới này.
Đi dọc theo cánh đồng thôn Phú Ân, hiếm hoi lắm chúng tôi mới thấy một vài thửa ruộng lúa cấy bằng tay, còn lại đều được thực hiện bằng phương thức gieo thẳng. Bà Đặng Thị Gái, thôn Phú Ân cho biết: Hộ gia đình bà có 9 sào ruộng, hiện nay bà ở một mình, tuổi đã cao nên những năm trước đây muốn cấy hết diện tích là rất khó khăn. Lao động trẻ khỏe chủ yếu đi làm ăn xa, hoặc làm nghề chạm bạc, do đó muốn thuê người để cấy cũng khó, đồng thời chi phí đầu vào rất cao, từ làm đất, nhổ mạ, cấy. Từ khi HTX DVNN tổ chức tập huấn, tuyên truyền về phương thức gieo thẳng lúa đã bớt đi gánh nặng mùa vụ cho bà con nông dân nơi đây.
Vụ xuân năm 2014, bà Gái gieo thẳng 7 sào lúa bằng giống BT7, N87, còn lại 2 sào ở vùng quá úng trũng nên đành phải cấy; đợt rét vừa qua lúa bị chết một ít, hiện nay lúa gieo thẳng đã được 2 - 3 lá và ra rễ trắng, công việc chủ yếu bây giờ là tỉa dặm lại, chăm sóc. Cũng theo bà Gái, qua mấy vụ gần đây cho thấy, lúa gieo thẳng cho năng suất cao hơn so với lúa cấy từ 15 - 20%; đồng thời thuê người gieo thẳng chỉ tốn 50 - 60 nghìn đồng/sào, còn công cấy phải mất 200 nghìn đồng/sào; từ khi phương thức gieo thẳng được ứng dụng ở đồng ruộng xã Lê Lợi, bà đã thực hiện cả ở hai vụ lúa trong năm. Hay như hộ bà Phạm Thị Sinh, nhà có hai vợ chồng với 4,5 sào ruộng, từ vụ xuân năm 2013 đến nay gia đình bà đều thực hiện gieo thẳng lúa 100% diện tích. Bà Sinh cho biết, lao động làm nông nghiệp ở Lê Lợi đang thiếu, chủ yếu là phụ nữ, người già, nên trước đây khi vào thời vụ chi phí thuê lao động quá cao làm giảm thu nhập của người có ruộng, nhưng từ khi ứng dụng phương thức gieo thẳng nông dân đỡ vất vả hơn, thu nhập lại tăng cao.
Điển hình như vụ xuân 2014, 4,5 sào ruộng nhà bà Sinh gieo thẳng đúng vào dịp rét đậm, rét hại trong tháng 2 nên lúa đã bị chết 100% diện tích; gia đình bà Sinh gieo thẳng lại vào ngày 8/3, đến nay lúa đã bén rễ, ra lá, phát triển khá thuận lợi. Bà Sinh cho biết thêm, nếu như những năm trước đây lúa bị chết chắc gia đình bà khó thực hiện cấy lại được cả 4,5 sào, do không có lao động để gieo mạ, cấy lại, thuê lao động thì công quá cao; nhưng gieo thẳng thì chỉ cần ngâm thóc giống và vãi nên rất nhàn, sản xuất được hết diện tích và kịp lịch thời vụ.
Lê Lợi ứng dụng phương thức gieo thẳng từ vụ xuân năm 2011 đến nay, thời gian đầu rất ít hộ thực hiện theo biện pháp mới này, do còn lo ngại chưa có kinh nghiệm, đồng thời chưa tin tưởng sợ lúa giảm năng suất. Qua kết quả sản xuất vụ đầu, lúa gieo thẳng đã cho năng suất cao, chi phí đầu vào giảm, hiệu quả kinh tế tăng cao so với lúa cấy nên các vụ sau đã được các hộ nông dân ứng dụng đồng loạt trên diện rộng. Ông Nguyễn Văn Ca, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Lê Lợi cho biết: Vụ xuân năm 2014, Lê Lợi gieo cấy 408 ha, trong đó gieo thẳng đạt 320 ha; những diện tích không gieo thẳng lúa là do ruộng quá chua trũng nên nông dân đành phải cấy. Đợt rét đậm, rét hại vừa qua có khoảng 20% diện tích lúa gieo thẳng, 15% lúa cấy bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, do nông dân đã quen với phương thức gieo thẳng nên khi gặp thời tiết bất thuận làm lúa chết, các hộ dân vẫn bình tĩnh, tự tin xử lý; từ ngày 5/3 đến 10/3, những diện tích lúa bị chết nông dân đã tiến hành tỉa dặm và gieo mới. Đến nay, Lê Lợi đã hoàn thành gieo cấy 100% diện tích, các hộ nông dân đang tập trung chăm sóc, tỉa dặm bảo đảm mật độ hợp lý để lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo đánh giá của các hộ nông dân ở Lê Lợi, gieo thẳng lúa giảm trên 80% chi phí công lao động, đồng thời năng suất tăng từ 15 - 20% so với cấy bằng tay; đây còn là giải pháp tình thế khi thời tiết rét làm lúa chết và khắc phục tình trạng thiếu lao động làm nông nghiệp hiện nay.
Nguyên Bình
Tin cùng chuyên mục
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đợt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 29.04.2025 | 19:02 PM
- Gieo trồng cây màu vụ xuân đạt gần 98% kế hoạch 17.03.2025 | 16:46 PM
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị