Thứ 2, 26/05/2025, 00:41[GMT+7]

Bước tiến mới về trồng trọt

Thứ 3, 29/09/2015 | 09:24:35
842 lượt xem
Những cánh đồng lúa nặng trĩu "hạt vàng", những cánh đồng cây màu luôn rộn rã tiếng cười của người nông dân trong những ngày thu hoạch là hình ảnh quen thuộc ở khắp các địa phương trong tỉnh nhiều năm qua. Những hình ảnh ấy là sự minh chứng cho những nghị quyết, chủ trương đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia tích cực của các đơn vị doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Kiến Xương.

Bước chuyển mạnh mẽ

Lão nông Phạm Giang Vũ, thôn Hữu, xã Mê Linh (Đông Hưng) giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, từ thuở "con trâu đi trước, cái cày theo sau", giờ ông không ngờ việc đồng áng lại nhàn đến vậy. Làm đất thì có máy cày, không phải còng lưng cấy vì đã nắm chắc kỹ thuật gieo thẳng, đến khi thu hoạch có máy gặt đập liên hợp, sức máy giờ đã thay sức người, việc sản xuất trên diện tích hơn 1 mẫu ruộng của gia đình hoàn thành nhanh, gọn nhờ được tập trung một khu, tham gia cánh đồng lớn, cấy cùng một giống, một thời điểm, thu hoạch cùng một lúc. Sâu bệnh, chuột hại không còn phải lo phun thuốc gì, phun lúc nào như trước nữa vì đã có tổ bảo vệ thực vật dự tính, dự báo và hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy mà năng suất lúa của gia đình năm nào cũng đạt từ 2,3 - 2,5 tạ/sào.

Đó là cảm nhận của ông Vũ cũng như đại đa số nông dân trong tỉnh. Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất. Đến nay 99,6% số xã đã hoàn thành DĐĐT, số thửa đã giảm được 51,8%; tỉnh đã hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân mua 3.414 máy và công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (trong đó 1.086 máy gặt đập liên hợp, 630 máy làm đất đa năng, 29 máy cấy, 20 kho lạnh, 1.650 công cụ gieo sạ lúa). Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 55% khâu thu hoạch và đang đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy. Không chỉ giảm chi phí sản xuất, đưa cơ giới hóa vào còn giúp rút ngắn thời gian sản xuất, nhờ vậy sản xuất cây màu vụ xuân, vụ hè và vụ đông được mở rộng. Quy hoạch phát triển trồng trọt được coi là trọng tâm trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, cùng với chỉnh trang đồng ruộng, tỉnh ta đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với 143 cánh đồng mẫu trên diện tích 6.072ha, trong đó có 115 cánh đồng mẫu (4.808ha) có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Thực hiện từ vụ xuân năm 2009, cánh đồng mẫu xã Bình Định (Kiến Xương) duy trì diện tích trên 150ha với 4 vùng sản xuất giống lúa cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ông Trần Thanh Sơn, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Bình Định cho biết: Tham gia mô hình cánh đồng mẫu, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm, được tập huấn chuyển giao kỹ thuật.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong lĩnh vực trồng trọt thời gian qua chính là thành công từ việc khảo nghiệm, đưa các giống mới, giống nuôi cấy mô, giống lai có ưu thế vượt trội về năng suất cao, chất lượng tốt, kháng chịu sâu bệnh vào sản xuất, thay thế giống cũ. Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã khảo nghiệm gần 2.071 lượt giống lúa các loại, 717 lượt giống ngô, 42 lượt giống đậu tương, 30 lượt giống khoai tây và một số cây rau màu khác phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thông qua khảo nghiệm đã đề xuất được một số giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh bổ sung vào cơ cấu cây trồng của tỉnh. Đồng thời hệ thống khuyến nông đã đề xuất xây dựng nhiều mô hình khuyến nông có hiệu quả: mô hình mở rộng cây vụ hè với công thức luân canh 4 vụ: lúa xuân sớm - dưa lê hè - lúa mùa sớm - cây vụ đông; mô hình chuyển đổi vụ lúa xuân, lúa mùa sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định: khoai lang, dưa gang, dưa lê với công thức luân canh 4 vụ; mô hình thâm canh lúa tái sinh tại Quỳnh Phụ…

Xây dựng chiến lược lâu dài

Sự ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường; tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày một giảm… là những rào cản không nhỏ ảnh hưởng tới việc tăng năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi. Vì vậy quy hoạch phát triển trồng trọt của tỉnh đến năm 2020 rất quan trọng, ngành Nông nghiệp phấn đấu diện tích lúa cả năm còn 137.950ha với cơ cấu lúa chất lượng cao 50% diện tích, còn lại là giống có năng suất cao; diện tích ngô với các giống biến đổi gen có chất lượng, năng suất cao khoảng 29.783ha, khoai tây khoảng 10.000ha. Để tiếp tục phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân đưa các giống mới, giống chuyển gen, giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; ứng dụng công nghệ canh tác tiên tiến và cơ giới hóa sản xuất; từng bước xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch; tái cơ cấu các sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững và gia tăng giá trị cho nông dân.

Với những thành tựu nổi bật đạt được trong thời gian qua là tiền đề cơ bản và vững chắc để tỉnh ta triển khai có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo bước đột phá và phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày