Thứ 7, 10/08/2024, 04:23[GMT+7]

Nhọc nhằn thú y cơ sở

Thứ 2, 21/12/2015 | 12:29:42
1,124 lượt xem
Mạng lưới thú y cơ sở được coi là “cánh tay nối dài”, là mắt xích quan trọng trong hệ thống thú y nói chung. Họ phải đi từng nhà, rà soát từng đối tượng, chữa trị cho vật nuôi khi ốm, tiêm phòng vào mỗi vụ xuân hè, thu đông… trong điều kiện môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn lây bệnh, chế độ phụ cấp thấp, thậm chí không có. Quả là một nghề nhiều vất vả, nhọc nhằn.

Tiêm phòng bệnh cho vật nuôi ở xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ).

 

Gian nan với nghề

 

Người dân xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ) đã quá quen với ông Vũ Như Khoa, Trưởng ban Chăn nuôi - Thú y. Mới đây, tháng 10/2015, cả xã Quỳnh Khê phải gồng mình chống chọi với dịch cúm gia cầm A/H5N6 - lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Bình. Công việc của ông Khoa và thú y viên lại thêm phần vất vả. Ông đi từ sáng sớm tới tận tối mịt mới về, làm nhiều việc khác nhau: tham mưu cho chính quyền xã biện pháp phòng và dập dịch, triển khai và trực tiếp tiêm vắc-xin phòng dịch cho vật nuôi, giám sát, tổng hợp và báo cáo tình hình dịch, tổ chức tiêu hủy gia cầm ốm, chết...

 

Ông Khoa cho biết, cúm gia cầm A/H5N6 là loại vi rút cúm mới, khả năng lây nhiễm sang người cao nên khi làm nhiệm vụ tiêm phòng, tiêu hủy gia cầm ốm, chết, bản thân ông cũng lo lắng nhưng vì trách nhiệm với nghề nên ông cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực khống chế, dập dịch. Nhờ các giải pháp kịp thời, hiệu quả cùng sự phối hợp của nhiều lực lượng, sau 21 ngày, dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở Quỳnh Khê đã được khống chế. Lúc ấy, ông Khoa mới thở phào nhẹ nhõm. “Nếu ngày nào còn có thông tin gà chết là ngày đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên” - ông chia sẻ.

 

 

Chị Hoàng Thị Hà, Trưởng ban Chăn nuôi - Thú y xã Bình Định (Kiến Xương) tiêm phòng bệnh cho đàn lợn.

 

Vũ Hòa (Kiến Xương) là một trong những địa bàn khó khăn trong công tác kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh bởi đây là nơi trung chuyển để đưa gia súc, gia cầm từ Nam Định vào trong tỉnh tiêu thụ. Trên địa bàn xã có hơn 150 con trâu, bò, 1.600 con lợn và hơn 37.000 con gia cầm, phổ biến là hình thức chăn nuôi hộ gia đình. 4 cán bộ thú y (1 trưởng ban chăn nuôi - thú y và 3 thú y viên) ở đây luôn phải tích cực hoạt động để bảo đảm an toàn dịch bệnh trên địa bàn xã.

 

Tham gia công tác thú y tại xã đã 20 năm, ông Nguyễn Văn Chuyền, thú y viên xã Vũ Hòa kể rằng, dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, hễ có người gọi là cán bộ thú y lên đường, từ chữa lợn ốm đến đỡ đẻ cho lợn..., bất cứ việc gì liên quan đến gia súc, gia cầm. Một năm, ngoài tiêm phòng chính vụ xuân hè, thu đông, các đợt cao điểm tiêu độc khử trùng còn có các đợt tiêm bổ sung. Ông Chuyền kể cho chúng tôi nghe về những tai nạn nghề nghiệp mà ông và các đồng nghiệp thường gặp phải như một điều tất yếu của nghề này. Có lần đi tiêm cho bò, ông bị bò đá thâm tím người. Còn việc thú y viên bị lợn cắn là chuyện không có gì lạ.

 

Ông Vũ Văn Ba, Trưởng ban Chăn nuôi - Thú y xã Vũ Hòa không chỉ là thương binh hạng 4/4 mà còn là nạn nhân chất độc da cam. Mặc dù năm nay đã 67 tuổi và có tới 40 năm kinh nghiệm trong công tác thú y nhưng ông Ba cũng không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp. Mới năm ngoái thôi, ông đã phải bỏ tiền túi để khám và tiêm phòng bệnh dại do bị chó cắn trong lúc tiêm phòng. Ông bảo, sức khỏe của ông ngày càng yếu, bệnh tật triền miên nhưng đêm hôm vẫn phải đi tiêm cho gia súc, gia cầm. Nhiều lần ông đã đề nghị với chính quyền xin thôi tham gia công tác thú y nhưng ngặt nỗi, xã không có người thiết tha với công tác này nên ông vẫn phải tiếp tục. 3 năm nữa, ông Ba sẽ bước vào tuổi “cổ lai hy”.

 

Cùng chung nỗi niềm về sự vất vả, nhọc nhằn của nghề, chị Hoàng Thị Hà, Trưởng ban Chăn nuôi - Thú y xã Bình Định (Kiến Xương) tâm sự: Sau khi tốt nghiệp trung cấp thú y, tôi về quê công tác. Nghề thú y phải “đi từng nhà, rà soát từng đối tượng”, chăm sóc, chữa trị cho vật nuôi khi mắc bệnh, báo cáo tình hình dịch bệnh, mưa nắng, đêm hôm cũng phải đi. Là những người trực tiếp tiếp xúc với nhiều loại vắc-xin nhưng vì công việc và vì sự an toàn cho lĩnh vực chăn nuôi của xã nên tôi vẫn gắng bám trụ với nghề. Chị Hà kể, nhiều khi đi tiêm về, do môi trường chăn nuôi ô nhiễm, tiếp xúc nguồn bệnh nên chị bị sốt. Ở Ban Chăn nuôi - Thú y xã Bình Định đã từng có thú y viên bị lợn đuổi, ngã phải khâu tới 9 mũi.

 

Công việc vất vả, nhọc nhằn là vậy, tai nạn nghề nghiệp luôn thường trực nhưng nhiều cán bộ thú y vẫn gắn bó và làm tốt công tác của mình, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Nhờ đó, những năm gần đây, tỉnh không xảy ra dịch bệnh nặng trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của ngành chăn nuôi năm 2015 lên 43,2% (tăng 6,4% so với năm 2010), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6,5%/năm.

 

Hương Giang

 

Điểm 2, Phần II, Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã quy định cụ thể 11 nhiệm vụ của thú y, gồm:

a) Tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi (bao gồm cả thủy sản) trong sản xuất nông nghiệp;

b) Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn, nghiệp vụ về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y;

c) Tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch phát triển chăn nuôi hàng năm; hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, thú y và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt;

d) Tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật; đề xuất, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và chữa bệnh cho động vật theo kế hoạch, hướng dẫn của trạm thú y cấp huyện;

đ) Xây dựng kế hoạch, biện pháp huy động lực lượng và thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nội dung được duyệt và hướng dẫn của trạm thú y cấp huyện;

e) Hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, cách ly động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và việc sử dụng, thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã;

g) Phối hợp thực hiện việc khử trùng, tiêu độc cho các cơ sở hoạt động liên quan đến công tác thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh đối với thủy sản trên địa bàn xã theo quy định;

h) Giúp chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn hoạt động đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công về chăn nuôi, thú y và cá nhân kinh doanh thuốc thú y. Thực hiện công tác khuyến nông về thú y theo kế hoạch được duyệt và các dịch vụ về thú y trên địa bàn xã theo quy định;

i) Báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình dịch bệnh động vật, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã cho trạm thú y cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã;

k) Nhân viên thú y thực hiện nhiệm vụ về quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên;

l) Thực hiện nhiệm vụ khác do trạm thú y cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã giao;

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày