Thứ 2, 26/05/2025, 02:01[GMT+7]

Vì sao hạt gạo “5 tấn” chưa có thương hiệu?

Thứ 6, 04/03/2016 | 08:30:01
571 lượt xem
Nói đến Thái Bình, hẳn ai cũng biết đến là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc (năm 1966) đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, vinh dự được Bác Hồ về thăm, khen ngợi. Ðến nay, quê hương 5 tấn luôn được coi là vựa lúa của vùng đồng bằng sông Hồng, năng suất lúa bình quân đạt trên 13 tấn/ha/năm, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn thóc/năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong tỉnh mà còn có lượng lớn xuất bán ra tỉnh ngoài và xuất khẩu. Mặc dù đang được nhiều người trong và ngoài nước sử dụng

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình giới thiệu sản phẩm gạo chất lượng cao do Công ty sản xuất và chế biến.

 

Đáp ứng cả về lượng và chất

 

Mặc dù trong những năm gần đây diện tích gieo cấy lúa trong tỉnh giảm so với trước đây (do chuyển đổi sang sản xuất cây màu và nhiệm vụ khác) song sản lượng vẫn duy trì ổn định trên 1 triệu tấn/năm. Để duy trì kết quả này phải khẳng định những chủ trương, biện pháp, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và các địa phương đúng, quyết liệt về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, lịch thời vụ, cơ chế chính sách hỗ trợ… Đồng thời nông dân tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nên năng suất lúa tăng lên không ngừng. Ngành Nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp với tỉnh về chỉ đạo sản xuất trong điều kiện thời tiết bất thuận. Cùng với việc chú trọng gieo cấy giống lúa có năng suất, tỉnh còn chỉ đạo các địa phương bố trí hợp lý nhóm giống lúa chất lượng cao phù hợp với chất đất, điều kiện canh tác của từng địa phương. Chính vì vậy, các địa phương trong tỉnh không chỉ đáp ứng cả về sản lượng mà còn có lượng lớn sản phẩm lúa chất lượng cao để làm hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hàng năm, Trung tâm phối hợp với các ngành chức năng, công ty sản xuất giống lúa tổ chức khảo nghiệm hàng trăm giống lúa các loại để tuyển chọn những giống có ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh. Hàng năm, các địa phương gieo cấy giống lúa chất lượng cao chiếm từ 30 - 40% so với tổng diện tích gieo cấy như giống Bắc thơm 7, RVT, N97, T10 và các giống lúa Nhật. Đối với nhóm giống lúa năng suất cao có nhiều giống được duy trì sản xuất với diện tích lớn như BC15, TBR225, TBR45… Điển hình như giống lúa BC15 không chỉ đáp ứng yêu cầu về năng suất mà còn đáp ứng cả về chất lượng nên ở các mùa vụ được các địa phương đưa vào gieo cấy với diện tích lớn (trên 20.000ha/vụ). Với nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và bà con nông dân nên năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh luôn đạt trên 13 tấn/ha/năm.

 

 

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình giới thiệu các giống lúa mới do Công ty chọn tạo, khảo nghiệm.

 

Xây dựng thương hiệu vẫn còn gian nan

 

Thái Bình có nhiều giống lúa cho chất lượng gạo ngon bằng hoặc hơn gạo tám thơm của Hải Hậu (Nam Định) và một số giống lúa của địa phương khác như T10, Bắc thơm 7, RVT, BC15, TBR225 và một số giống lúa Nhật. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng dùng các sản phẩm gạo ngon của Thái Bình sản xuất ra nhưng rất ít người biết gạo đó sản xuất ở địa phương nào trong tỉnh, giống lúa gì. Các sản phẩm gạo ngon chủ yếu được các cơ sở, công ty và tư thương buôn bán, cung ứng tự do trên thị trường, cơ bản không được đóng gói, dán nhãn mác sản phẩm… nên không tạo được thương hiệu. Đồng thời còn do các doanh nghiệp, địa phương và người dân chưa chọn lựa được giống lúa cụ thể và chỉ dẫn địa lý sản xuất để xây dựng thương hiệu, chủ yếu là sản xuất tự phát. Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: Mặc dù là doanh nghiệp chế biến, cung ứng gạo cho thị trường nội địa và xuất khẩu hàng đầu của tỉnh nhưng các sản phẩm gạo của Công ty vẫn chưa có thương hiệu. Nguyên nhân là do các sản phẩm gạo chủ yếu mang tên chung thương hiệu của Công ty “Rice Hưng Cúc”. Đồng thời, Công ty đã lựa chọn giống lúa T10 để xây dựng thương hiệu song do nhiều nguyên nhân và khó khăn khác nhau nên chưa thực hiện được việc này. Trước hết do đầu vào không ổn định, chưa kiểm soát được quy trình sản xuất từ hạt giống đến biện pháp gieo cấy, chăm sóc, chất đất, nguồn nước tưới. Thực tế cho thấy, Công ty luôn nỗ lực liên kết với các HTX và bà con nông dân để sản xuất và bao tiêu sản phẩm thóc, gạo với diện tích lớn (khoảng 800ha/vụ) nhưng việc nông dân phá bỏ hợp đồng và không thực hiện theo quy trình sản xuất gạo sạch vẫn diễn ra thường xuyên. Các địa phương còn gieo cấy nhiều loại giống lúa khác nhau và xen kẽ, có rất ít vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao quy mô lớn.

 

 

Dây chuyền chế biến gạo của Công ty TNHH Hưng Cúc.

 

Trong những năm qua, tỉnh rất quan tâm đến sản xuất lúa gạo bằng việc chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện khảo nghiệm các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân và mô hình doanh nghiệp - HTX - nông dân, liên kết “4 nhà” ở nhiều địa phương song mới đạt được kết quả nhất định về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà chưa tạo ra được thương hiệu cho loại gạo nào cụ thể. Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), thông qua hoạt động xúc tiến thương mại đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về tuyên truyền quảng bá sản phẩm, tổ chức liên kết với các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm gạo. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất chưa được kiểm soát chặt chẽ nên chất lượng sản phẩm gạo không cao, không đồng đều, quy mô nhỏ, sản lượng không lớn, do đó hiệu quả chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo. Trong khi đó vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo rất quan trọng.

 

"Thương hiệu là giá trị tạo ra trong suy nghĩ, nhận thức của khách hàng về một loại sản phẩm nào đó.  Gạo của Thái Bình chưa có thương hiệu vì chưa chọn đúng sản phẩm để xây dựng thương hiệu, không thể có thương hiệu chung cho mọi loại gạo mà sản phẩm ấy phải có gì nổi trội so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Đồng thời, sản xuất lúa chất lượng cao còn nhỏ lẻ, phân tán, chạy theo lợi ích trước mắt, giá thóc cao là bán, sẵn sàng phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp, bán xong là hết trách nhiệm, chưa quan tâm đến người tiêu dùng nghĩ gì".

 

(Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông)

 

(Còn nữa)

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày