Thứ 2, 26/05/2025, 01:23[GMT+7]

Sáng tạo trong lao động sản xuất

Thứ 6, 04/11/2016 | 08:08:18
629 lượt xem
Với phong trào thi đua lao động sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, làm chủ trang thiết bị, cán bộ, nhân viên Trạm Thủy sản Nam Thái Bình đã tích cực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm thông tin liên lạc, xác định ngư trường giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Chăm sóc cá rô phi đơn tính trái vụ tại Trại thực nghiệm nuôi cá Hòa Bình (Kiến Xương).

 

Những năm qua, cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, cán bộ, đoàn viên Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành Nông nghiệp.

Nhiều năm trước, cứ đến vụ thu đông (khoảng từ tháng 7 đến tháng 9), Trung tâm Giống thủy sản Thái Bình lại thiếu nguồn giống để cung cấp ra thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm cũng như thu nhập của cán bộ, nhân viên. Trước thực trạng này, Thạc sĩ Trần Việt Cường, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm cùng cán bộ, nhân viên đã tập trung nghiên cứu đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất giống cá rô phi đơn tính vụ thu đông theo hướng sản xuất hàng hóa”. Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2015, đề tài được đưa vào ứng dụng hiệu quả, qua đó góp phần mang lại nguồn lợi lớn cho Trung tâm, giải quyết việc làm cho người lao động. Chia sẻ với chúng tôi, Thạc sĩ Trần Việt Cường cho biết: Việc ứng dụng thành công đề tài đã giúp doanh thu của Trung tâm trung bình mỗi năm đạt 2,4 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với trước đây; cán bộ, nhân viên có việc làm thường xuyên, đời sống được bảo đảm, lương bình quân hiện đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với trước. Từ thành công của đề tài, đến nay, Trung tâm đã mở rộng diện tích ao nuôi, mỗi năm cung cấp hơn 20 triệu con cá rô phi giống 21 ngày tuổi cho các cơ sở, hộ nuôi trong và ngoài tỉnh, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn giống vụ thu đông, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi.

Với phong trào thi đua lao động sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, làm chủ trang thiết bị, cán bộ, nhân viên Trạm Thủy sản Nam Thái Bình đã tích cực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm thông tin liên lạc, xác định ngư trường giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Anh Phạm Chức, cán bộ kỹ thuật của Trạm cho biết: Ðể bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, cán bộ, nhân viên của Trạm không ngừng học hỏi, tìm hiểu các trang thiết bị hiện đại được trang cấp để có thể truyền tải thông tin chính xác tới chủ tàu, đồng thời yêu cầu các chủ tàu trang bị bộ đàm tương thích để giúp cho việc quản lý cũng như tuyên truyền chủ trương, chính sách, thông báo tình hình thời tiết, mưa bão để có sự đề phòng kịp thời. Ngoài ra, hàng tuần, cán bộ của Trạm thường xuyên xuống nơi neo đậu nắm bắt tình hình, số lượng tàu thuyền ra vào, vận động ngư dân sửa chữa, đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi khai thác xa bờ, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng quy định về công tác an toàn cho người và tàu cá; chủ động thông báo điểm neo đậu tránh trú bão an toàn cho các tàu, điểm khai thác thủy sản giúp bà con phòng tránh thiên tai trên biển.

Cán bộ Trạm Thủy sản Nam Thái Bình cùng chủ tàu kiểm tra thiết bị thu phát sóng trước khi ra khơi.

Sự sáng tạo trong lao động sản xuất của cán bộ, đoàn viên Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng thành công trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, lúa giống, chăn nuôi... đã góp phần mang lại giá trị kinh tế cho ngành Nông nghiệp. Ông Ðào Văn Trường, Phó Chi cục trưởng, Chủ tịch Công đoàn Chi cục Thủy sản cho biết: Trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, cán bộ, đoàn viên Công đoàn Chi cục Thủy sản cũng như cán bộ, đoàn viên Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn tìm tòi, nghiên cứu, tích cực triển khai các đề tài khoa học ứng dụng trong quá trình phát triển sản xuất; hướng dẫn bà con việc chăm sóc và nuôi trồng thủy hải sản, ứng dụng khoa học kỹ thuật để quản lý tàu cá, tìm kiếm cứu nạn. Trong 5 năm (2010 - 2015), toàn ngành có 50 đề tài, giải pháp tham gia hội thi sáng tạo khoa học của tỉnh, trong đó 32 đề tài, giải pháp đạt giải. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn, tiết kiệm cho sản xuất nông nghiệp hàng tỷ đồng. Từ mỗi đề tài, sáng kiến kinh nghiệm đã giúp cán bộ, công nhân viên chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo xu hướng nâng cao giá trị kinh tế và phát triển bền vững.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày