Thứ 5, 16/05/2024, 02:08[GMT+7]

Rộn ràng vụ mùa

Thứ 6, 14/07/2017 | 08:36:00
985 lượt xem
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 80.000ha lúa. Hiện các địa phương đang tập trung huy động nhân lực, phương tiện, gấp rút hoàn thành gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Sau cấy từ 5 - 7 ngày, nông dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa mùa.

Mặc dù năm nay thu hoạch lúa xuân sớm hơn năm trước từ 7 - 10 ngày nhưng không vì thế mà tinh thần khẩn trương sản xuất vụ mùa giảm đi. 

Ông Đỗ Văn Thanh, chủ máy làm đất ở xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) cho biết: Để làm đất tốt gieo cấy lúa mùa, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, tôi dùng máy kéo lồng dập rạ một lần, sau ít ngày tiến hành làm đất đợt 2 để phục vụ bà con gieo cấy. Những ngày qua, thời tiết tương đối thuận lợi nên nông dân các địa phương đã tích cực huy động nhân lực, phương tiện xuống đồng làm đất, gieo cấy lúa mùa bảo đảm khung thời vụ. 

Đến bất cứ địa phương nào trên địa bàn huyện Đông Hưng đều bắt gặp không khí lao động khẩn trương, tấp nập của bà con. Người làm đất, người nhổ mạ, người gieo cấy. Thêm một vụ xuân thắng lợi, nông dân đã thấy rõ hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và gieo trồng đúng lịch thời vụ nên đều nghiêm túc thực hiện lịch gieo cấy theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. 

Xuống đồng gieo cấy từ ngày 6/7, đến nay, nông dân xã Đông Động (Đông Hưng) đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa mùa. Cùng với sự hỗ trợ của 2 máy cấy, nông dân nơi đây đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như: hàng rộng hàng hẹp, mật độ thưa… nhờ đó đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. 

Bà Vũ Thị Thơm, thôn Bến Hòa cho biết: Gia đình tôi gieo cấy 6 sào, trong đó 100% diện tích đều được cấy mật độ thưa. Tôi đã áp dụng phương pháp này được 3 vụ, lúa cấy mật độ thưa không những giảm chi phí về giống, giảm công cấy mà còn dễ chăm sóc, hạn chế sâu bệnh mà năng suất vẫn bằng hoặc cao hơn cấy mật độ dày trước kia. Đến nay, gia đình tôi đã gieo cấy xong toàn bộ diện tích và chuyển sang chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh hại lúa ngay từ đầu vụ.

Đến nay, huyện Quỳnh Phụ đã gieo cấy được khoảng 60% diện tích lúa mùa. Để giành thắng lợi về năng suất, sản lượng, huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: cấy mạ non, mạ dược thưa, áp dụng các phương pháp điều tiết nước hợp lý để lúa đẻ nhánh tập trung, rút ngắn thời gian sinh trưởng trên cơ sở bón phân cân đối; áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến SRI, IPM, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh... Do có sự chỉ đạo tích cực ngay từ đầu vụ cùng với thời tiết thuận lợi nên tiến độ gieo cấy lúa mùa bảo đảm khung thời vụ, dự kiến toàn huyện kết thúc gieo cấy trước ngày 20/7.

Cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Kiến Xương đang tập trung chỉ đạo nông dân gieo cấy lúa mùa bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất. 

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, toàn huyện đã gieo cấy được khoảng 8.000ha trong tổng số 11.300ha lúa mùa, diện tích gieo thẳng khoảng 4.500ha. Trong đó, lúa trà sớm đã gieo cấy xong; lúa trà trung gồm các giống BC15, Thiên ưu 8, TBR-1, TBR225, Nam ưu 209... Do sản xuất vụ mùa thường gặp mưa, bão, úng, đây cũng là thời gian có lượng mưa lớn tập trung trong năm, vì vậy, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để chủ động điều tiết nước. Đồng thời, bảo vệ tốt diện tích mạ dự phòng, chuẩn bị đủ lượng giống ngắn ngày, hạt giống rau màu dự phòng để kịp thời ứng phó với những điều kiện bất thuận của thời tiết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 70.000ha lúa mùa. Tiến độ này được đánh giá là nhanh so với cùng kỳ nhiều năm. Bên cạnh việc tập trung nhân lực, phương tiện sớm hoàn thành gieo cấy lúa mùa, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tập trung chăm sóc, theo dõi để kịp thời phòng, trừ sâu bệnh đối với diện tích lúa trà sớm. Để lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt nên sử dụng các loại phân bón NPK chuyên lót, chuyên thúc hàm lượng dinh dưỡng cao; bón lót sâu, thúc sớm; không bón lai rai; không bón đạm đơn; bón bổ sung 3 - 4kg kali/sào cho các giống lúa BC15, lúa lai, lúa chất lượng và 2 - 3kg kali/sào cho các giống lúa khác vào giai đoạn lúa đứng cái; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, đặc biệt trên những chân đất xấu, nghèo mùn, chua mặn, thành phần cơ giới nhẹ. Chủ động làm tốt công tác dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng; hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc ngay từ đầu vụ; thực hiện các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để tăng sức đề kháng cho cây trồng, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


Một số khuyến cáo trong chăm sóc lúa mùa

Sau cấy từ 5 - 7 ngày cần hướng dẫn nông dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa mùa kịp thời:- Bón thúc cho lúa với quan điểm nặng đầu nhẹ cuối, bón lót sâu, thúc sớm, sử dụng các loại phân NPK chuyên dụng có hàm lượng đạm và kali cao (16:5:17; 17:5:16...) với lượng từ 12 - 15kg/sào, bón thúc ngay khi lúa bắt đầu đẻ nhánh.
- Lúa gieo thẳng khi được 1 - 1,5 lá thì đưa nước vào láng chân và tiến hành bón nhử 1,5 - 2kg đạm urê/sào, kiểm tra và phun thuốc trừ ốc bươu vàng. Tỉa dặm kịp thời bảo đảm mật độ từ 90 - 100 dảnh/m2, khi lúa bắt đầu đẻ nhánh bón thúc kịp thời như lúa cấy.
- Duy trì mực nước nông trên mặt ruộng sau khi cấy để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh nhanh, gọn; rút nước phơi ruộng khi lúa kết thúc đẻ nhánh để bộ rễ phát triển và ăn sâu, chống đổ ở cuối vụ.
- Phát hiện và xử lý ngộ độc hữu cơ trên các chân ruộng sau khi cấy lúa có biểu hiện lá bị biến vàng, rễ đen, thối rễ bằng cách sục bùn, thay nước, bón từ 10 - 15kg vôi bột và từ 7 - 10kg lân/sào hoặc sử dụng các chất hỗ trợ ra rễ mới như Sumitri, KH, Siêu lân, Pennac P... phun để lúa nhanh phục hồi.
- Thực hiện các biện pháp trừ chuột và các đối tượng dịch hại khác theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.


Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày