Chủ nhật, 24/11/2024, 09:20[GMT+7]

Đông Hưng đối phó với nạn chuột phá hoại lúa mùa

Thứ 3, 08/08/2017 | 08:46:47
2,674 lượt xem
Mới đầu vụ mùa nhưng chính quyền và nông dân nhiều địa phương ở huyện Đông Hưng đã phải đau đầu nghĩ cách đối phó với nạn chuột phá hoại để bảo vệ lúa mùa.

Chỉ sau một đêm ruộng lúa này đã bị chuột cắn quang hẳn, bà con đang dặm lại.

Bà Lương Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Vụ mùa này, quy mô và mức độ thiệt hại do chuột gây ra tăng hơn so với vụ xuân và những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do khoảng cách về thời gian giữa các vụ sản xuất được rút ngắn; nhà máy, xí nghiệp gần đồng và đất chưa sử dụng để cỏ mọc nhiều đã tạo điều kiện về nguồn thức ăn, nơi trú ngụ cho chuột phát triển nhanh. Trong khi đó, một số địa phương thực hiện kế hoạch diệt chuột chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, người dân còn diệt chuột tự phát. Việc diệt chuột không đúng quy trình kỹ thuật, không đúng phương pháp cũng là một trong những nguyên nhân khiến kết quả diệt chuột hiệu quả chưa cao.

Để đối phó với chuột và bảo vệ cây trồng, nông dân huyện Đông Hưng đã mất nhiều thời gian kiểm tra thường xuyên đồng ruộng, đặt bẫy, quây nilon nhằm hạn chế chuột cắn lúa mới cấy... Việc làm này vừa mất nhiều công sức vừa tốn tiền cộng thêm nhiều khoản chi phí khác như tiền cày, bừa, giống, công cấy… thì nhiều hộ nông dân cấy lúa có nguy cơ lỗ. Song hàng rào nilon cao gần 1m vẫn chỉ giúp ngăn ngừa phần nào bởi chuột vẫn nhảy qua hoặc phá thủng để vào ruộng phá lúa. 

Bà Đặng Thị Hòa, thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân cho biết: Vụ mùa này gia đình tôi cấy 5 sào lúa, chủ yếu gieo vãi, lúa vừa lên bén rễ chuột đã tới cắn phá tan hoang. Gia đình đã sử dụng nhiều cách để diệt chuột nhưng không mấy hiệu quả, vì vậy tôi phải mua nilon, que, thuê người quây 4 sào. Mỗi sào mất gần 200.000 đồng nhưng cũng chỉ giảm phần nào chuột phá. 

Ông Đặng Nghiệp, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Xuân cho biết: Cánh đồng đội 4, xã Đông Xuân tiếp giáp khu công nghiệp Gia Lễ, cụm công nghiệp Xuân Động, quốc lộ, 2 nghĩa trang của xã Đông Xuân và xã Đông Mỹ. Bà con nông dân không thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, để cỏ mọc quanh bờ, tạo điều kiện cho chuột cư trú, phát triển nhanh. Thêm vào đó, nạn trộm chó, mèo tăng khiến đàn mèo giảm, khả năng bắt chuột của mèo cũng giảm vì bị nhốt trong nhà. Các vụ trước chuột không nhiều, từ đầu đến cuối vụ HTX chỉ tổ chức diệt 2 lần, vụ này từ khi cấy lúa đến nay mới được hơn một tháng song HTX đã phải tổ chức rải bả khắp các cánh đồng 2 lần, các tổ đánh chuột của xã thường xuyên đi thả mồi diệt chuột. HTX khuyến cáo bà con nông dân tăng cường vệ sinh đồng ruộng, đánh chuột bằng các phương pháp thủ công song công tác diệt chuột của xã vẫn đang gặp khó khăn bởi nơi cư trú chính của chuột là tại các khu, cụm công nghiệp lại không thể vào đó để đặt mồi.

Cánh đồng của xã Đông Hoàng cũng bị chuột cắn phá rất nhiều. Chỉ tay về hướng có nhiều ruộng lúa bị lụi đi từng khoảng vì chuột cắn phá, trong đó có 6 sào lúa của gia đình, bà Tô Thị Bình, thôn Thái Hòa I, xã Đông Hoàng cho biết: Nhà nào nhà nấy thi nhau quây nilon và đặt mồi để diệt chuột, bảo vệ lúa, xã cũng đã tổ chức chiến dịch diệt chuột trước khi làm đất và sau khi cấy, thành lập tổ diệt chuột thường xuyên đi đặt mồi trên khắp các cánh đồng của xã nhưng chuột vẫn nhiều, lúa vẫn bị chuột cắn phá. Ruộng lúa nhà tôi quây 2 lần nilon mà chuột vẫn vào được. Chiều nào tôi cũng phải mang theo gậy, dây chun, băng dính ra ruộng kiểm tra, căng, buộc lại. Bà Bình đề nghị xã tăng cường các biện pháp diệt chuột, khuyến khích nông dân diệt chuột bằng cách mua đuôi chuột… Chuột chủ yếu cắn các ruộng cấy giống lúa thân mềm như BC15 hay những ruộng lúa gieo vãi.

Tuy nhiên, cũng có những địa phương do chủ động, sáng tạo trong việc diệt chuột nên đã hạn chế được thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp như phát động chiến dịch diệt chuột trong toàn xã ở những thời điểm thuận lợi; thuê Công ty Môi trường Xanh hoặc các tổ chuyên diệt chuột; thu mua đuôi chuột của bà con nông dân… 

Ông Đỗ Duy Dũng, Giám đốc HTX DVNN xã Bạch Đằng cho biết: Trước và sau khi cấy, khi có mưa to, HTX phát động nhân dân đánh chuột bằng phương pháp thủ công như ban ngày đào hố, ban đêm soi đèn pin đánh bằng gậy. Khi lúa tốt, đánh bằng phương pháp thủ công hiệu quả không cao HTX mới phát động nhân dân đánh chuột bằng các loại thuốc có trong danh mục. Đến nay toàn xã đã diệt được trên 3.000 con chuột. HTX tổ chức thu mua toàn bộ đuôi chuột cho nông dân để khuyến khích bà con tích cực tham gia diệt chuột. Vì vậy, tình trạng chuột phá lúa đã giảm hẳn, chỉ còn ở những vùng chân ruộng cao, gần nghĩa trang.

Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra đối với sản xuất lúa mùa, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Huyện yêu cầu các địa phương xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các tổ đội tự quản diệt chuột, chú trọng diệt chuột bằng phương pháp thủ công, kết hợp các loại thuốc hóa học, sinh học có trong danh mục. Khi đánh thuốc diệt chuột cần thông báo rộng trong khu dân cư và tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột cũng phải chôn cẩn thận để bảo đảm an toàn cho động vật nuôi, môi trường và sức khỏe người dân. Thực hiện tỉa dặm ngay những diện tích bị chuột cắn phá.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày