Chủ nhật, 24/11/2024, 11:20[GMT+7]

Hồng Tiến đánh thức tiềm năng thủy sản

Thứ 4, 30/08/2017 | 08:26:53
1,891 lượt xem
Hồng Tiến là xã duyên giang của huyện Kiến Xương. Điều kiện tự nhiên nơi đây rất thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, người dân chưa phát huy được thế mạnh này nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tiễn một số mô hình chuyển đổi nuôi trồng thủy sản thành công, Hồng Tiến đã và đang quy hoạch lại sản xuất, nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Mô hình nuôi tôm nước lợ của gia đình ông Phạm Văn Thuật cho giá trị kinh tế cao.

Cũng như 25 hộ đầu tư vào vùng thủy sản tập trung ở thôn Nam Tiến, từ năm 2000, ông Nguyễn Văn Đại tập trung nuôi cá truyền thống theo phương pháp bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế gấp 2 lần so với cấy lúa. Nhưng từ năm 2016, ông chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng thì thu nhập của gia đình tăng gần 8 lần so với nuôi cá. 

Ông Đại cho biết: Do thời gian gần đây, tình trạng xâm nhập mặn khiến cho việc nuôi cá kém hiệu quả nên gia đình chuyển sang nuôi tôm nước lợ. Chỉ với diện tích 1.600mnuôi tôm thẻ chân trắng trong 40 ngày/lứa, ông thu hoạch được 2,7 tạ tôm thịt, bán với giá 85.000 đồng/kg, ông thu về gần 23 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 10 triệu đồng. Một năm nuôi 3 lứa tôm, ông Đại thu lãi trên 30 triệu đồng.

Nhận thấy nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao, hiện nay đã có 8 hộ trong vùng thủy sản tập trung của xã Hồng Tiến chuyển đổi từ nuôi cá sang nuôi tôm. 

Ông Phạm Văn Thuật, thôn Nam Tiến cho biết: Đây là lứa thứ hai ông nuôi tôm thẻ chân trắng thành công. Với diện tích 2.000m2 ông thả 5 vạn con tôm giống, tỷ lệ con sống đạt 60%, mỗi lứa thu hoạch được 3 tạ tôm thịt, với giá thị trường hiện nay ông thu về 25,5 triệu đồng. 

Còn ông Nguyễn Trường Giang, người chuyển sang nuôi tôm sớm nhất ở xã Hồng Tiến chia sẻ: Sau 4 năm nuôi tôm nước lợ, chưa lứa nào tôm bị dịch bệnh chết. Ngoài làm tốt công tác chăm sóc, vệ sinh ao nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho tôm thì chất đất và nguồn nước ở nơi đây rất phù hợp để tôm phát triển và không phát sinh dịch bệnh như ở các nơi khác.

Theo các hộ nuôi tôm ở Hồng Tiến, do hạ tầng giao thông, thủy lợi và nhất là hệ thống điện phục vụ việc nuôi tôm ở vùng nuôi trồng thủy sản tập trung còn khó khăn nên bà con chưa dám tăng mật độ nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, vì vậy giá trị kinh tế vẫn chưa đạt tối đa. Rất nhiều nông dân khác muốn chuyển từ nuôi cá sang nuôi tôm nước lợ nhưng chưa thể đầu tư, nguyên nhân là thiếu vốn, kiến thức kỹ thuật nuôi và nguồn giống chưa ổn định.

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX Thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Hiện nay, HTX đang làm tốt các khâu dịch vụ: thủy lợi, khoa học kỹ thuật, thú y thủy sản, cung ứng thức ăn chăn nuôi và bao tiêu nông sản cho xã viên. Toàn xã có 140ha diện tích nuôi trồng thủy sản với 1.100 hộ tham gia sản xuất, giá trị sản xuất đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, nếu nông dân chuyển sang nuôi tôm thì giá trị sản xuất có thể đạt tới 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Trước mắt, HTX đang tập trung tuyên truyền, vận động một số hộ có điều kiện chuyển sang nuôi tôm và có cơ chế hỗ trợ để xây dựng mô hình thành công, từ đó nhân rộng ra toàn vùng thủy sản của xã.

Thực hiện đề án phát triển nuôi tôm nước lợ ven biển giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh, Hồng Tiến đã tổ chức quy hoạch lại sản xuất thủy sản. Theo đó, giai đoạn 1, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng; tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi từ nuôi cá sang nuôi tôm thẻ chân trắng vùng thủy sản tập trung của xã với tổng diện tích 56,6ha theo hướng áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: Xác định phát triển thủy sản là hướng kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân nên sau khi lãnh đạo, chỉ đạo thành công mô hình nuôi tôm nước lợ ở vùng thủy sản tập trung, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục đề nghị huyện, tỉnh cho quy hoạch chuyển đổi từ 150 - 170ha cấy lúa kém hiệu quả vùng ngoài đê bối chắn sóng sang nuôi tôm gắn với tích tụ ruộng đất để nâng cao giá trị sản xuất.

Qua kiểm tra thực tế tại Hồng Tiến, lãnh đạo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và lãnh đạo huyện Kiến Xương đánh giá, tiềm năng đất đai và điều kiện tự nhiên, nhân lực ở địa phương rất phù hợp để phát triển nuôi tôm nước lợ. 

Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nếu được tỉnh chấp thuận cho Hồng Tiến quy hoạch và chuyển đổi, phát triển nuôi tôm thì huyện sẽ tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành và xã Hồng Tiến phối hợp với các sở, ngành của tỉnh sớm hoàn thiện các thủ tục hành chính và sẽ có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đây sẽ là tiền đề giúp Hồng Tiến phá vỡ thế độc canh cây lúa của xã xa trung tâm huyện, đánh thức tiềm năng, trở thành điểm sáng trong kinh tế của Kiến Xương những năm tới.

Khắc Duẩn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày