Chủ nhật, 24/11/2024, 11:31[GMT+7]

Vũ Thư, Tiền Hải: Phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản

Thứ 2, 15/01/2018 | 08:23:54
1,024 lượt xem
Để bảo đảm sản xuất trong lĩnh vực thủy sản trước đợt rét đậm, rét hại, huyện Tiền Hải đã tích cực tuyên truyền đến người nuôi có các biện pháp thiết thực phòng, chống rét an toàn giống thủy sản, không để ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết giá rét.

Huyện Vũ Thư hiện có tổng đàn gia súc khoảng 123.700 con, đàn gia cầm 1,35 triệu con. Thời tiết rét đậm, rét hại, người chăn nuôi thực hiện nhiều biện pháp chống rét nhằm bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm.

Việt Hùng hiện là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn nhất huyện Vũ Thư, với 618 con bò và 23 con trâu. Ông Phạm Văn Huỳnh, Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã Việt Hùng cho biết: Đàn trâu, bò tại địa phương thường được bà con nuôi thả tự do ngoài đồng, bờ đê. Điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại những ngày này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, an toàn của đàn trâu, bò. Do đó, để bảo đảm an toàn cho đàn trâu, bò, ngay khi nhận được thông tin tình hình thời tiết xấu, Ban Chăn nuôi thú y xã đã kịp thời tổ chức tập huấn cho các chủ hộ chăn nuôi về kỹ thuật phòng, chống rét cho đàn trâu, bò. Chúng tôi hướng dẫn bà con phải bảo đảm chuồng trại ấm áp, kín gió; nền chuồng phải lót rơm rạ, cỏ, lá khô. Ban đêm phải tiến hành đốt củi sưởi ấm chuồng nuôi. Thay vì chăn thả tự do như thông thường, những ngày giá rét, bà con cho trâu, bò ra đồng vào khoảng 9 - 10 giờ sáng và dắt về nhà vào khoảng 15 - 16 giờ chiều. Với những ngày rét đậm, nhiệt độ giảm sâu, có mưa, không nên chăn thả mà giữ trâu, bò tại chuồng trại và cung cấp thức ăn tinh bột, chất xơ.

Mặc dù ảnh hưởng của “bão giá” làm giảm số lượng đàn lợn, nhưng hiện tại, Bách Thuận vẫn là “vựa” lợn của huyện Vũ Thư. Xã hiện có 14.000 con lợn, trong đó đàn lợn nái và lợn choai khoảng 7.000 con, đàn lợn thịt 7.000 con chuẩn bị cung cấp ra thị trường dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất. Ông Nguyễn Kim Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mùa đông năm nay được đánh giá là nhiệt độ giảm sâu và kéo dài hơn so với cùng kỳ các năm trước. Những ngày rét đậm, rét hại kéo dài, để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, xã chỉ đạo Ban Chăn nuôi thú y phối hợp với Đài Truyền thanh xã chủ động thông báo diễn biến tình hình thời tiết; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong công tác chống rét cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn kỹ thuật che chắn chuồng trại bảo đảm đủ ấm, không có gió lùa nhưng phải thông thoáng, tăng cường sử dụng bóng điện sưởi hoặc đốt lửa để sưởi ấm khu vực chuồng nuôi. Trong những ngày giá rét, người chăn nuôi tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Quang, thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận cho biết: Gia đình ông hiện có đàn lợn thịt 50 con, dự kiến xuất chuồng vào dịp tết Nguyên đán. Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, gia đình thực hiện nhiều biện pháp chống rét cho đàn lợn như che chắn chuồng trại,  dùng bóng đèn sưởi để sưởi ấm, bổ sung dinh dưỡng cho đàn lợn.

Ông Phạm Hồng Đăng, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Hiện tại, tổng đàn lợn của huyện có khoảng 116.110 con, đàn trâu, bò 7.600 con, đàn gia cầm 1,35 triệu con. Huyện có 87 trang trại, 1.200 gia trại đầu tư tái đàn vật nuôi. Thời gian qua, giá lợn hơi và một số sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của huyện và tâm lý của nhiều hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, đến hiện tại, giá lợn hơi đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện vẫn duy trì ở mức khá, vì vậy công tác bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi vẫn được huyện, các địa phương và hộ chăn nuôi quan tâm thực hiện. Trong đợt rét đậm, rét hại này, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với các địa phương, đơn vị chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện sớm các biện pháp phòng, chống rét cho đàn lợn, trâu, bò, đàn gia cầm. Qua khảo sát, hầu hết các hộ khá chủ động, quan tâm đến bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi của gia đình, vì vậy mặc dù nhiệt độ giảm sâu kéo dài nhưng trên địa bàn huyện chưa có tình trạng đàn lợn, trâu, bò bị chết do rét. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ cần thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Chủ động phòng, chống rét bảo vệ an toàn đàn vật nuôi góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Để bảo đảm sản xuất trong lĩnh vực thủy sản trước đợt rét đậm, rét hại, huyện Tiền Hải đã tích cực tuyên truyền đến người nuôi có các biện pháp thiết thực phòng, chống rét an toàn giống thủy sản, không để ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Kiểm tra nhiệt độ môi trường ao nuôi để có biện pháp phòng, chống rét.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện nay, toàn huyện có khoảng 900ha nuôi cá nước ngọt; 2.000ha nuôi trồng nước mặn, trong đó có 300ha nuôi các loại cá không chịu được rét như cá vược, cá sủ… Nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, Tiền Hải đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi. Phân công trách nhiệm cho cán bộ giám sát, kiểm tra phòng, chống rét cho thủy sản tại các địa phương phụ trách. Đồng thời, tăng cường cập nhật thông tin diễn biến thời tiết khi nền nhiệt độ xuống quá thấp để chủ động phổ biến, hướng dẫn cho các hộ nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp phòng, chống rét kịp thời. Khuyến cáo hộ nông dân hàng ngày theo dõi các yếu tố môi trường, điều chỉnh chất lượng nước bảo đảm theo yêu cầu kỹ thuật. Chuẩn bị đủ vật tư chủ động cho phòng, chống rét cho tôm, cá như che kín ao bằng bạt nilon, tránh gió lạnh làm nhiệt độ nước giảm thấp và tăng khả năng giữ nhiệt độ. Bố trí máy sục khí liên tục tạo nguồn lưu thông tăng lượng oxy trong ao. Các địa phương có vùng nuôi trồng thủy sản mở cống lấy nước vào các hệ thống tạo thuận lợi cho nông dân nâng mực nước ao thích hợp. Khi lấy nước vào các ao, nông dân cần chú trọng xử lý, điều tiết nguồn nước, bảo đảm độ pH tránh tôm, cá, cua bị sốc. Quan sát các hiện tượng bất thường, xác định nguyên nhân để xử lý kịp thời. Không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi khi thời tiết rét đậm, rét hại. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đã đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay tránh gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản. Thực hiện thả bèo tây đối với diện tích nuôi cá nước ngọt theo đúng kỹ thuật. Có chế độ chăm sóc đặc biệt cho giống thủy sản, cho ăn bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng, hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao có bổ sung vitamin C và khoáng chất theo lượng quy định của nhà sản xuất. Ngành chuyên môn cần phối hợp với các địa phương tổng hợp diện tích, số lượng cá chết (nếu xảy ra) kịp thời để tham mưu, xây dựng phương án hỗ trợ cho người nuôi về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất. Ông Phạm Duy Nghị, Giám đốc HTX SXKD nuôi trồng thủy sản Hải Châu, xã Đông Minh cho biết: Hiện nay, vùng nuôi trồng thủy sản do HTX quản lý trên 130ha, trong đó có 15ha nuôi cá, cua 80ha, còn lại là diện tích nuôi tôm. Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, HTX đã chỉ đạo nông dân tại các vùng nuôi trồng thủy sản không được chủ quan, lơ là khi nhiệt độ xuống dưới 10oC sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tôm, cua, cá. Đến thăm vùng đầm nuôi trồng thủy sản thôn Ngải Châu trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiều hộ nông dân đã triển khai tốt nhiều biện pháp để bảo vệ diện tích nuôi thủy sản. Ông Trần Văn Phát cho biết: Diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình là 1ha, chủ yếu nuôi cá vược. Đặc tính của giống cá vược là không chịu được rét, do đó, thực hiện chỉ đạo của HTX, gia đình đã triển khai giải pháp dùng bạt che hướng gió lùa, tăng cường bổ sung thức ăn giàu chất khoáng, vitamin C vào khẩu phần ăn… nhằm bảo vệ cá nuôi, không để ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng để phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Quỳnh Lưu - Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày