Chủ nhật, 24/11/2024, 18:00[GMT+7]

“Phá băng” thị trường cho xuất khẩu

Thứ 4, 11/07/2012 | 15:08:52
1,167 lượt xem
Để đạt mục tiêu xuất khẩu 109,5 tỷ USD, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp phải xuất khẩu bình quân 9,4 tỷ USD/tháng (6 tháng đầu năm xuất khẩu được 8,85 tỷ USD/tháng) trong khi nhiều thị trường có dấu hiệu “đóng băng”.

6 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản dự kiến đạt khoảng 10,7 tỷ USD - Ảnh minh họa

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dấu hiệu khó khăn trong xuất khẩu thể hiện rõ khi những tháng gần đây tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu thấp đi.

Điển hình như mặt hàng dệt và may mặc có giá trị xuất khẩu lớn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 8,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước và thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước đã thể hiện sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ trong nước. Các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng, ngắt đơn hàng, xoay chuyển liên tục khiến ảnh hưởng nhiều đến chi phí.

Dự báo triển vọng các nhóm hàng

Do đó, ngành Công Thương đã chủ động rà soát lại từng nhóm hàng, từng mặt hàng xuất khẩu chính và dự báo triển vọng xuất khẩu đến hết năm. Kết quả cho thấy giá nhóm hàng nông sản, thủy sản khó có thể tăng, tuy nhiên, lượng xuất khẩu có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm do việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu và những giải pháp hỗ trợ tín dụng của Chính phủ có tác dụng. Vì vậy, 6 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của nhóm dự kiến đạt khoảng 10,7 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 21,1 tỷ USD.

Đối với nhóm nguyên liệu và khoáng sản, dự kiến giá dầu thô xuất khẩu sẽ không tăng; giá than đá có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm dự kiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm này đạt khoảng 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 11,6 tỷ USD.

Đối với nhóm hàng công nghiệp chế, dự kiến, kim ngạch nhóm hàng này 6 tháng cuối năm đạt khoảng 34,8 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 68 tỷ USD. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng hoá khác khoảng 8,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu theo kế hoạch trên đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp với sự hỗ trợ của các hiệp hôi, bộ ngành để tăng được khối lượng cùng giá trị xuất khẩu.

Tiếp sức cho doanh nghiệp “chạy vượt rào”

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngoài hạn chế của doanh nghiệp thì rào cản thương mại tại những thị trường nhập khẩu chính đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lao đao.

Để tháo nút thắt trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm, VASEP đề nghị cần có biện pháp “phá băng” thị trường Nhật Bản, 6 tháng qua sản phẩm tôm vào thị trường này đã giảm mạnh do quy định ngặt nghèo của Nhật Bản áp dụng chỉ số hàm lượng tạp chất trong tôm quá thấp so với các quy định hiện nay của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đơn cử như Châu Âu quy định hàm lượng tạp chất 150 phần tỷ, Mỹ 75 phần tỷ, trong khi Nhật Bản bắt buộc ở mức 10 phần tỷ.

Ngoài ra, cần thu hẹp các đầu mối xuất khẩu cá tra từ hơn 100 doanh nghiệp hiện nay xuống còn 60-70 doanh nghiệp để tránh hiện tượng cạnh tranh lẫn nhau tại thị trường quốc tế gây bất lợi về giá, đồng thời có những tiêu chí rõ ràng đối với các công ty tham gia xuất khẩu sản phẩm này.

Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn đề nghị Dự thảo Luật Thuế xuất nhập khẩu mới cần tạo điều kiện thuận lợi trong nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu.

Luật Thuế xuất nhập khẩu hiện tại chia thu thuế nhập khẩu thành hai nhóm: nhóm 1 nộp thuế trước khi nhập hàng về, nhóm thứ 2 được ân hạn 275 ngày phải nộp thuế. Tuy nhiên, dự thảo của Dự thảo luật yêu cầu phải nộp thuế trước khi nhập hàng về. Ông Thuấn cho rằng điều này giảm một phần sự cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khi mà thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đề xuất của Hiệp hội Da giày và của các Hiệp hội làm hàng xuất khẩu là đáng lưu ý, thời gian ân hạn nộp thuế là rất quan trọng, đặc biệt với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Bộ Công Thương cũng đề ra các giải pháp thực hiện trong đó chú trọng công tác dự báo, bám sát tình hình thị trường; Chỉ đạo các tham tán thương mại tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm kịp thời phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Hiệp hội để chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.

Ngoài ra, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.

Theo chinhphu

  • Từ khóa