Thứ 2, 25/11/2024, 00:28[GMT+7]

Bánh Trung Thu bạc triệu nhập cuộc

Thứ 2, 23/08/2010 | 07:50:26
2,059 lượt xem
Các khách sạn đang rục rịch bầy bán những loại bánh Trung Thu cao cấp có giá bạc triệu.

Bánh Trung Thu của KS Hilton có giá lên tới 3,5 triệu đồng/hộp.

Sau khi các nhà sản xuất bánh Trung Thu như "bình dân" Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà… tung ra thị trường những mẻ bánh đầu tiên thì các khách sạn như Fortuna, Daewoo, Sofitel Metropole, Hilton… cũng rục rịch bầy bán những loại bánh Trung Thu cao cấp có giá bạc triệu.
 
Giá tính bằng "đô"

Đại diện các khách sạn cho biết, năm nay do nguyên liệu đầu vào tăng cao nên các sản phẩm bánh đều tăng giá từ 5% - 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đi tiên phong trong việc tung ra sản phẩm bánh trung thu cao cấp năm nay là khách sạn Fortuna Hà Nội. Giống như những năm trước, Fortuna tung ra thị trường các sản phẩm bánh có nhân hạt sen, khoai môn giá 490 nghìn đồng và 530 nghìn đồng/hộp 4 hoặc 8 bánh tùy loại. Riêng hộp bánh nướng Fortuna đặc biệt 4 bánh lớn một nhân trứng và 4 bánh nhỏ cùng rượu vang có giá đắt nhất hơn 1,3 triệu đồng, hộp bánh nướng bảy ngôi sao 7 bánh nhỏ và 1 bánh lớn với giá 890 nghìn đồng/hộp.

Tại quầy bánh Trung Thu của khách sạn Daewoo vẫn là 4 mẫu bánh đặc trưng với các loại nhân phổ biến như sen, hạt dẻ, dứa...gồm một hộp tổng hợp 6 chiếc với giá 22 USD; hộp bánh đặc biệt với trà giá 32 USD. Khách sạn này còn có hộp bánh đặc biệt với rượu vang có giá 40 USD hoặc 70 USD và hộp bánh đặc biệt giá 52 USD do có thêm rượu mạnh.

Trong khi đó, dù đến 22/8 mới tung ra những chiếc bánh đầu tiên nhưng ngay từ đầu tháng, khách sạn Horison đã quảng bá khá rầm rộ sản phẩm của mình. Năm nay, bánh Trung Thu của khách sạn này vẫn là những hương vị quen thuộc như đậu đỏ, hạt sen, cốm, trà xanh với hộp 6 bánh nhỏ giá 20 USD, hộp 8 bánh nhỏ giá 22,5 USD; hộp 4 bánh to (tặng kèm 1 bánh nhỏ) giá 26 USD còn có hộp 8 bánh đặc biệt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội có giá 30 USD.

So với bánh Trung Thu của các khách sạn khác thì bánh Trung Thu của khách sạn Hilton có giá cao hơn cả, thấp nhất là hộp 8 bánh nhỏ giá 400 nghìn đồng và cao nhất là hộp bánh Bạch Kim với rượu Hennessy Xo giá 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, Hilton cũng cho ra mắt dòng bánh cao cấp chào mừng Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội cùng rượu Bordeaux giá 1,4 triệu đồng.

Còn tại Khách sạn Metropol, loại bánh rẻ nhất cũng đã lên tới 95 nghìn đồng/chiếc, còn đắt nhất là loại bánh trung thu hình cá chép, mặt trăng 800 gr có giá 460 nghìn đồng/chiếc.

Không đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận

Mặc dù giá cao nhưng các khách sạn cho biết, do mục tiêu chính là quảng bá thương hiệu khách sạn nên họ không đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận qua việc bán bánh Trung Thu.

Khẳng định điều này, chị Đào, nhân viên phòng bán hàng, khách sạn Horison cho biết: “Sản phẩm bánh Trung Thu là quảng bá thương hiệu khách sạn 5 sao Horison, vì thế không đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Cũng vì không tính tới lợi nhuận nên giá bán chỉ tương đương với giá thành sản xuất, cộng thêm chi phí vận chuyển đối với những khách hàng mua số lượng lớn”.

Hộp bánh của KS Fortuna giá 890 nghìn đồng.

Giá thành cao và sản xuất số lượng có hạn nhưng hầu hết các khách sạn vẫn có chính sách khuyến mại đối với khách hàng lớn.

“Khách hàng mua từ 20-200 hộp bánh đều có chế độ ưu đãi tặng kèm bánh hoặc giảm giá từ 10% - 20%. Ngoài ra, còn khuyến khích những khách hàng đặt bánh sớm với số lượng lớn” - chị Trang phòng quan hệ công chúng, khách sạn Hilton cho biết.

Tương tự, khách hàng mua từ 10 đến 20 hộp bánh của khách sạn Fortuna sẽ được giảm giá 10%, 15% từ 21 đến 40 hộp và 20% khi khách hàng mua từ 41 hộp trở lên. Đồng thời với số lượng lớn, khách sạn sẽ chuyển đến tận nơi trong địa bàn Hà Nội.

Chỉ dành cho khách hạng sang

Theo đại diện của các khách sạn thì do giá thành của sản phẩm khá cao nên cũng khá kén khách. Khách hàng mua sản phẩm chủ yếu người có thu nhập khá, người ngoại quốc đang ở tại khách sạn, các doanh nghiệp mua sản phẩm để biếu tặng hơn là nhu cầu thưởng thức.

“Trên thực tế, so với các loại bánh trung thu cao cấp có thương hiệu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, HaiHa - Kotobuki...xét về mặt bằng giá, giá bán mặt hàng này tại các khách sạn lớn cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, với các loại bánh trên thì dành để thưởng thức là chính hoặc cùng lắm là mua tặng người trong nhà. Còn dùng để ngoại giao thì mua bánh có thương hiệu của các khách sạn như Hilton, Horison hay Dawoo… sẽ sang hơn rất nhiều, mẫu mã lại rất bắt mắt. Đi biếu đi tặng cứ đẹp và thương hiệu lớn là được” - anh Quang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Bánh Trung Thu của các khách sạn lớn khá kén khách và sản xuất số lượng có hạn.
 
Trong khi đó, Giám đốc một doanh nghiệp ở Quảng Ninh cho hay: “Năm nào tôi cũng nhờ người em ở Hà Nội đặt mua bánh Trung Thu bán tại khách sạn lớn. Những thương hiệu bánh này ở tỉnh không thể mua được, vì thế chọn đem biếu sẽ trở thành món quà đặc biệt và có ý nghĩa hơn”.

Ngược lại, với những khách hàng bình dân, ngoài trở ngại giá cao, việc mua bánh tại các khách sạn cũng không hấp dẫn khi bánh Trung Thu được bán theo từng hộp có sẵn với các mức giá đã niêm yết. Khách hàng khó có thể mua lẻ hay lựa chọn thoải mái rồi mới xếp giá thành vào hộp như khi mua ở ngoài.

Theo VnMedia
  • Từ khóa