Thứ 4, 27/11/2024, 03:20[GMT+7]

Lần đầu tiên sau 10 tháng Việt Nam thâm hụt thương mại

Thứ 2, 15/03/2021 | 16:05:01
1,453 lượt xem
Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Tháng 2/2021, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Việc thâm hụt thương mại là do xuất khẩu giảm nhẹ và nhập khẩu vẫn tăng, nhưng hiện còn quá sớm để kết luận liệu điều này có thể hiện một xu hướng mới trong cán cân thương mại hàng hóa hay không.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021. Thông tin từ bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của WB cho thấy, tháng 2 vừa qua, xuất khẩu hàng hóa giảm 4,2%, trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực đang thống trị lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tỏ ra năng động hơn khi kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm 1% so với mức giảm 15,1% của các doanh nghiệp trong nước.

Theo đối tác thương mại, dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng, trong khi xuất khẩu sang EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm. Kim ngạch nhập khẩu tăng là do nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự như xu hướng nhập khẩu tháng 1/2021.

Tháng 1/2021, nhập khẩu điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị chiếm một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cho rằng điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của Việt Nam vào đầu vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như việc đa dạng hóa thương mại tiếp tục diễn ra do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh mẽ vào tháng 2/2021 sau hai tháng chững lại.

Sau khi giảm vào tháng 1/2021, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI tháng 2/2021 cao hơn 70,4% so với tháng trước và tăng gấp ba lần giá trị vốn FDI ghi nhận vào tháng 2/2020.

WB cũng đưa ra hàng loạt điểm mới của kinh tế Việt Nam như các cơ quan chức năng đã nhanh chóng hành động để kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, bắt đầu vào cuối tháng 1/2021 tại Hải Dương.

Sự phục hồi kinh tế trong nước đang đi đúng hướng khi sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng dương trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ ba.

Theo vtv.vn