Thứ 4, 24/07/2024, 08:32[GMT+7]

Xuất khẩu sắn vượt mốc 1 tỷ USD

Thứ 6, 30/11/2012 | 14:19:52
628 lượt xem
Hết tháng 10/2012, Việt Nam có 21 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 1 tỷ USD, đứng thứ 20 trong “câu lạc bộ tỷ đô”.

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 10 tháng năm 2012 đã vượt qua mức kỷ lục đạt được vào năm 2011. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu sắn tăng 37,3%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước (18,9%). Sắn là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao thứ 6 trong 10 tháng. Tính theo giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu sắn tăng thêm 308 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

 

Tổng khối lượng xuất khẩu trong 10 tháng đạt xấp xỉ 3,64 triệu tấn, tăng rất cao với mức 57,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu sắn là  2,17 triệu tấn, mang lại lượng ngoại tệ 523,7 triệu USD và 1,47 triệu tấn sản phẩm từ sắn mang về 608,3 triệu USD.

 

Kết quả trên đạt được do nhiều yếu tố. Về sản xuất, diện tích gieo trồng sắn năm 2011 là 560 nghìn ha, gấp gần 2,4 lần của năm 2000, chiếm trên 4,9% tổng diện tích gieo trồng cây cả nước. Hiện có 18 tỉnh trên cả nước có diện tích trồng sắn trên 10.000 ha, trong đó, nhiều nhất là Gia Lai (63.400 ha), Tây Ninh (45.700 ha), Kon Tum (41.700 ha), Đắk Lắk (31.800 ha), Bình Thuận (31.500 ha), Sơn La (28.500 ha)…

 

Sản lượng sắn đạt 9.875.500 tấn, gấp gần 5 lần năm 2000, cao gấp đôi tốc độ tăng diện tích, chứng tỏ việc mở rộng diện tích đi kèm với tăng năng suất. Hiện có 24 địa phương đạt sản lượng trên 100.000 tấn, trong đó cao nhất là Tây Ninh (1,326 triệu tấn), Gia Lai (1,017 triệu tấn), Kon Tum (629.000 tấn), Đắk Lắk (610.000 tấn), Bình Thuận (584.000 tấn), Bình Phước (491.000 tấn), Nghệ An (464.000 tấn)…

 

Giá xuất khẩu năm 2011 khá cao, trung bình đạt 275,9 USD/tấn (sắn) và sản phẩm từ sắn đạt trung bình 473,6 USD/tấn. Nhưng trong 10 tháng năm nay giá giảm khoảng 13% (sắn chỉ còn 241,3 USD/tấn và sản phẩm từ sắn còn 413,8 USD/tấn).

 

Thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất là Trung Quốc. Trong 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 985 triệu USD, chiếm 87% tổng kim ngạch, tiếp theo là Hàn Quốc với 39 triệu USD, Đài Loan (Trung Quốc) với 29 triệu USD, Philippines với 16,9 triệu USD, Malaysia với 10,4 triệu USD…

 

Kết quả xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn là rất tích cực nhưng cũng cho thấy một số vấn đề cần quan tâm điều chỉnh để hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế cao hơn. Đầu tiên là về diện tích trồng sắn, hiện chỉ kém hai cây lương thực chủ lực là lúa và ngô. Trong khi cây sắn có khả năng giữ nước và giữ đất kém, làm đất nhanh bạc màu. Nên nếu có rủi ro về thị trường tiêu thụ sắn sẽ rất khó để chuyển đổi nhanh sang cây trồng khác và nếu tăng diện tích nên có sự lựa kỹ vùng phát triển.

 

Thứ hai là là về thị trường xuất khẩu, hiện quá quá tập trung vào Trung Quốc, do “trứng bỏ để một giỏ” dẫn tới các rủi ro về đầu ra, giá xuất khẩu.

 

Vì vậy, hướng phát triển cây sắn cần cân nhắc về vùng nguyên liệu và điều chỉnh, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ trong nước.

 Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa