Chủ nhật, 24/11/2024, 14:29[GMT+7]

Thị trường hàng hóa Tết 2013: Sức mua sẽ quyết định giá cả

Thứ 5, 06/12/2012 | 08:08:25
1,025 lượt xem
Hai thực trạng của thị trường hiện nay là hàng tồn kho nhiều và sức mua yếu đang là lực cản lớn “kìm chân” chiến dịch chuẩn bị hàng Tết 2013 của hầu hết các doanh nghiệp.

Khó xảy ra khan hàng, sốt giá

 

Về nguồn cung thực phẩm dịp Tết, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước khẳng định, 2 mặt hàng thực phẩm là gia súc, gia cầm sẽ không sốt hàng, không tăng giá đột biến vào cuối năm. Các tỉnh, thành đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết, đến nay 21 tỉnh có chương trình bình ổn giá.

 

Cùng chung nhận định với cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế dự báo: Nhìn chung, giá cả thị trường trong dịp cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Ty nếu có tăng cũng chỉ tăng nhẹ, không có đột biến vì lượng hàng hóa dồi dào. Bên cạnh đó, sức mua của thị trường có thể tăng chậm, nên nhiều khả năng sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

 

Cuối tuần trước, báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Các doanh nghiệp Hà Nội đã chủ động tăng mức dự trữ hàng hóa, đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng 20% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong vòng 1 tháng. 10 nhóm hàng thiết yếu được TP.Hà Nội lựa chọn bao gồm: Gạo tẻ thường (6.000 tấn), thịt lợn (900 tấn), thịt gà (350 tấn), trứng gà, vịt (6 triệu quả), thủy hải sản (450 tấn), dầu ăn (1.300.000 lít)…

 

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng tết từ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chiếm từ 30 - 40% thị phần; các chợ đầu mối chiếm 40- 50% thị phần; còn lại từ các doanh nghiệp khác. Hiện tại, theo Sở Công Thương, chỉ các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát có kế hoạch tăng giá nhẹ từ 5 – 7%.

 

Lo cầu yếu!

 

Mặc dù kế hoạch hàng hóa chuẩn bị Tết năm nay rất dồi dào, nhưng dự báo về sức tiêu thụ hàng hóa lại không khả quan. Một số chuyên gia kinh tế chia sẻ: Do kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nên người tiêu dùng sẽ kén chọn hơn trong việc mua sắm hàng hóa, cũng như tiết giảm tối đa chi tiêu. Thống kê sức mua năm sau thường tăng hơn so với năm trước là 20%, nhưng có khả năng thị trường Tết năm nay, sản lượng chỉ tăng khoảng 5 - 10% so với dịp Tết năm trước. “Người tiêu dùng sẽ cân nhắc kỹ hơn khi quyết định và sẽ tìm đến những đơn vị bán lẻ có các chương trình tiếp thị hấp dẫn với giá cả tốt nhất”.

 

Theo khảo sát, không ít doanh nghiệp nhỏ kinh doanh các sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm cho biết họ khá dè dặt trong việc tăng lượng hàng sản xuất, dự trữ phục vụ tết vì lo sức mua yếu. Một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến sẵn chuẩn bị lượng hàng tương đương Tết năm ngoái; một số doanh nghiệp dự trữ dưới dạng nguyên liệu và theo dõi tình hình thị trường, nếu sức mua tốt sẽ đóng gói thành phẩm thêm.

 

Theo Dân Việt

 

  • Từ khóa