Thứ 4, 27/11/2024, 00:35[GMT+7]

Không để thiếu hàng hóa thiết yếu trong thời điểm có dịch Covid-19

Thứ 2, 10/05/2021 | 08:50:46
6,735 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân, giữ vững ổn định thị trường, ngành Công Thương đã có những biện pháp gì? Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Huy Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương về nội dung này.

Hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên thị trường ổn định.

Phóng viên: Hiện nay không ít người dân lo ngại khi có dịch Covid-19 thì các mặt hàng thiết yếu trên thị trường sẽ khan hiếm, thiếu hụt nên chủ động đi mua sắm tích trữ. Đồng chí có thể cho biết lo ngại đó của bà con có đúng không và ngành Công Thương đã có biện pháp gì để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Trần Huy Quân: Theo quy định của Bộ Công Thương tại văn bản số 1998/BCT-TTTN ngày 20/3/2020 về việc báo cáo phương án cung ứng hàng hóa nhằm bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu để ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19, có 13 mặt hàng thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu gồm: gạo tẻ, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, thủy hải sản, rau củ, mì tôm, muối ăn, dầu ăn, nước đóng chai, khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh. Trong tình hình hiện nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã khảo sát thực tế, làm việc và đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để Sở Công Thương xây dựng kịch bản khi dịch bệnh xảy ra trong các tình huống; đồng thời, làm việc với các cơ sở kinh doanh lớn có phương án chuẩn bị nguồn hàng dự trữ để cung ứng cho thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để nắm bắt tình hình, diễn biến thị trường và chỉ đạo các thương nhân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch cũng như công tác bình ổn thị trường.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, mua tích trữ hàng hóa là yếu tố tâm lý cố hữu, truyền thống của người tiêu dùng đó là “tích cốc phòng cơ”. Việc lo lắng khan hiếm hàng hóa là không có cơ sở bởi nguồn cung ứng bảo đảm dồi dào, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi theo chỉ đạo của Chính phủ là không ngăn sông cấm chợ.

Hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên thị trường ổn định.

Phóng viên: Đến nay, kết quả huy động các tổ chức, cá nhân tham gia bình ổn thị trường và bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Huy Quân: Cho đến nay, Sở Công Thương đã làm việc với 7 đơn vị kinh doanh lương thực, 15 hợp tác xã, trang trại và 11 thương nhân phân phối mặt hàng thiết yếu của các thương hiệu có uy tín trong nước như Masan, Kinh Đô, Tràng An, Neptune tham gia chương trình bình ổn thị trường và bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất, được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng phương án chuẩn bị lượng hàng hóa chống dịch Covid-19 theo 3 tình huống (cung ứng hàng hóa cho các khu cách ly tập trung - tương đương 4.300 người; cung ứng hàng hóa cho 1 xã, phường, thị trấn - tương đương 7.000 người; cung ứng hàng hóa cho 1/2 số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh - tương đương 1.000.000 người). Như vậy, nguồn cung hàng hóa thiết yếu bảo đảm phục vụ cho các tình huống trên địa bàn trong các trường hợp dịch bùng phát vẫn bảo đảm đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu.

Phóng viên: Thưa đồng chí, có một vấn đề mà người dân luôn lo lắng đó là tình trạng đại lý, cửa hàng lợi dụng tình hình dịch để thực hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, trục lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Để kiểm soát vấn đề này, ngành Công Thương có biện pháp gì?

Đồng chí Trần Huy Quân: Việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá, trục lợi bất chính là có thể xảy ra, nhưng các đại lý, cửa hàng thực hiện hành vi này chiếm tỷ lệ thấp và chỉ diễn ra ở những nơi có những thông tin thất thiệt tạo ra hiệu ứng đám đông. Sở Công Thương sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm khắc những trường hợp găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm luật cạnh tranh. Mặt khác, khuyến khích, động viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường, tăng thời gian bán hàng, nâng cao trách nhiệm xã hội gắn với sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Để những nỗ lực của ngành Công Thương trong hoạt động bình ổn thị trường đạt hiệu quả, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu do chính việc người dân mua tích trữ hàng hóa quá nhiều không cần thiết, đồng chí có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?

Đồng chí Trần Huy Quân: Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Công Thương, tôi đề nghị người tiêu dùng hãy bình tĩnh, không hoang mang, dao động trước diễn biến của dịch. Việc bảo đảm nguồn hàng thiết yếu phục vụ thị trường đã được ngành Công Thương có kế hoạch ngay từ đợt dịch thứ nhất và bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu trong từng trường hợp cụ thể. Hiện nay, giá một số mặt hàng như mì tôm, dầu ăn có tăng nhẹ, nguyên nhân là do người dân thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBND, ngày 6/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên không đi ăn sáng tại hàng quán mà tổ chức ăn sáng tại nhà, do đó nhu cầu có tăng hơn trước khi có Công điện số 05. Vì vậy, việc tăng giá chỉ mang tính thời điểm, cục bộ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Khắc Duẩn

(thực hiện)