Thứ 4, 24/07/2024, 08:23[GMT+7]

Không lo thiếu hàng dịp cuối năm

Thứ 6, 14/12/2012 | 14:37:18
721 lượt xem
Theo Bộ Công thương, nguồn cung hàng Tết năm nay sẽ không thiếu do các tỉnh, thành chủ động triển khai nhiều biện pháp bình ổn giá trong các kênh phân phối hiện đại, thậm chí ở cả các chợ đầu mối với các mặt hàng như rau củ quả, gia súc, gia cầm…

Để chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm 2012 và Tết Âm lịch đang đến rất gần, các địa phương đang tích cực đẩy mạnh cung ứng hàng hóa ra thị trường. Dự kiến, hàng hóa cho Tết không thiếu, tuy nhiên, do tâm lý người Việt thường để dành cho mua sắm cuối năm, song song với đẩy mạnh phân phối hàng hóa ra thị trường, công tác bình ổn giá đã và đang được triển khai tích cực.

 

Không lo thiếu hàng

 

Mặc dù những tháng đầu năm chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh của nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhưng theo đúng quy luật thị trường và thói quen mua sắm của người Việt, những tháng cuối năm được coi là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa vì nhu cầu hàng hóa phục vụ cho các dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Âm lịch luôn ở mức rất cao. Theo đó, các địa phương đang đẩy mạnh cung ứng hàng hóa để phục vụ cho nhu cầu của người dân. Cụ thể, theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội: Để phục vụ thị trường Tết, Hà Nội sẽ cần khoảng 65 nghìn tấn gạo; 10 nghìn tấn lợn hơi; 3.500 tấn thịt vịt, gà; 75 triệu quả trứng gà, vịt; 4.500 tấn thủy hải sản tươi, đông lạnh; 4.000 tấn thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá. Các doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ tự cung cấp, đáp ứng được 25 nghìn tấn gạo (chiếm 38,5%); thịt gà thương phẩm khoảng 2.167 tấn (chiếm 62%); trứng gà, vịt khoảng 29 triệu quả (chiếm 39%); thủy hải sản tươi sống, đông lạnh khoảng 675 tấn (chiếm 15%); thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm khoảng 800 tấn (chiếm 20%); rau, củ tươi khoảng 41.250 tấn (chiếm 55%); 75 nghìn tấn rau củ tươi; 1.500 tấn bánh, kẹo, mứt; 96 triệu lít rượu, bia, nước giải khát và khoảng 6 vạn m3 xăng dầu… Số hàng hóa còn lại không tự cung, tự cấp được sẽ được khai thác từ các tỉnh, thành khác để đảm bảo nhu cầu của người dân thủ đô.

 

Đẩy mạnh các giải pháp bình ổn giá

 

Cung ứng hàng hóa ra thị trường là một chuyện, làm sao để hàng hóa không biến động quá nhiều về giá còn là việc quan trọng hơn. Theo ghi nhận của chúng tôi, quà tặng cho dịp cuối năm như giáng sinh, Tết Dương lịch đang cao hơn khoảng 10% so với hàng hóa những năm trước. Vào Tết Nguyên đán, khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, giá cả sẽ không tránh khỏi bị biến động, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương khẳng định: “Với lượng hàng doanh nghiệp cung ứng ra thị trường, nguồn cung là không thiếu. Tuy nhiên, vào những tháng cận tết, khi nhu cầu tăng, UBND các tỉnh và các sở công thương cần kết hợp với các kênh phân phối để giữ các mặt hàng này không bị sốt giá”.

 

Để hạn chế tình trạng đẩy giá vô tội vạ vào dịp Tết, công tác bình ổn thị trường đã và đang được Bộ Công Thương và các địa phương địa phương triển khai tích cực. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện đã có 43/63 tỉnh gửi báo cáo lên Bộ về triển khai bình ổn thị trường cuối năm, trong đó có 21 Sở Công Thương bắt đầu triển khai. Các địa phương đã ứng vốn hơn 100 tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp (DN) đã chủ động chi ra hơn 12 nghìn tỷ đồng để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.

 

Điều đáng nói là đến nay, ngoài việc chủ động nguồn hàng tham gia chương trình thì số lượng DN tự giác tham gia, tự bỏ vốn, không nhận kinh phí của Nhà nước đang ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, bao gồm cá cố định và lưu động đều được hình thành và áp dần đến các đối tượng cần bình ổn là vùng sâu vùng xa, các khu CN tập trung. Điều này sẽ giúp các đối tượng thực sự cần hàng bình ổn giá sẽ được tiếp cận nhiều hơn với hàng bình ổn trong dịp Tết sắp tới. Một cách làm đáng học hỏi mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai là cùng với các kênh phân phối hiện đại, TP Hồ Chí Minh cũng triển khai bình ổn giá thông qua các chợ đầu mối với các mặt hàng như rau củ quả, gia súc, gia cầm… bởi các chợ đầu mối là nơi phân phối một lượng hàng hóa rất lớn. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá và sẽ khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng mua sắm Tết. Với lượng hàng Tết đã chuẩn bị sẵn sàng, nguồn cung từ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chiếm từ 30 - 40% thị phần, nguồn cung từ các chợ đầu mối chiếm 40 - 50% thị phần, sẽ không lo thiếu nguồn cung cũng như biến động giá.

 

Chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, công tác thị trường đang được triển khai tích cực để bảo đảm hàng hóa được cung ứng đầy đủ đến tận tay người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp “xả” hàng, chuẩn bị cho sản xuất trong năm sau.

 Theo nhandan.org.vn

  • Từ khóa