Chủ nhật, 24/11/2024, 12:30[GMT+7]

Kiểm tra gắt gao an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết

Thứ 4, 19/12/2012 | 14:23:13
681 lượt xem
Ngày 17/12, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế có cuộc gặp với báo chí thông báo kế hoạch sẽ triển khai các công việc từ nay đến Tết Nguyên đán.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, tính đến hết tháng 11, có gần 470.000 tấn hàng (hơn 19.000 lô) được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 54 lô (tương đương 60 tấn) không đạt yêu cầu.

 

Cả nước xảy ra 164 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 5.400 người mắc, 4.300 người phải nhập viện và 33 người tử vong (tăng hơn so với năm 2011). Đặc biệt, ngộ độc tại gia đình gia tăng 22,4% so với cùng kỳ và nguyên nhân chủ yếu do vi sinh gây ra (46%), độc tố tự nhiên (25,6%), do hóa chất là 6,7%. Riêng trong quý IV, tử vong do ngộ độc cá nóc nhiều nhất với tỷ lệ 60% (3/5 người chết, đều sống tại Quảng Ninh và Ninh Thuận). Tiếp theo là do rượu 40%.

 

Ông Phong nhận định, quý IV là thời điểm giao mùa, thường xuyên xảy ra thời tiết bất thường. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội lớn như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu thị thực phẩm tăng cao, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phụ gia thực phẩm cũng gia tăng. Bên cạnh đó tình hình buôn bán hàng hóa qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp.

 

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đã chỉ đạo tập trung vào công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và công tác phòng chống thực phẩm nhập lậu, đẩy mạnh công tác truyền thông bảo đảm ATVSTP. Cuối tháng 12, Cục ATVSTP sẽ thành lập từ 8 - 10 đoàn Trung ương đi Đà Nẵng, Quảng Ninh và các tỉnh có cửa khẩu để tập trung kiểm tra các mặt hàng có nguy cơ ngộ độc, kém chất lượng nhiều như bánh mứt kẹo, hạt hướng dương, ô mai.

 

Tại mỗi địa phương, đoàn sẽ lựa chọn một vài cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hay xưởng sản xuất bánh mứt kẹo lớn để kiểm tra việc thực hiện quy định về ATVSTP, phụ gia, công bố, ghi nhãn, nguồn vào các loại thực phẩm tại đây và lấy một số mẫu để kiểm nghiệm. Nếu phát hiện thực phẩm có “vấn đề” về chất lượng sẽ áp dụng các mức phạt mới theo Nghị định 91 có hiệu lực từ ngày 25/12 với số tiền cao nhất là 100 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa có vi phạm. Đồng thời công bố công khai danh tính cơ sở đó để người tiêu dùng tránh xa...

 

Cũng tại cuộc gặp, TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết thêm, từ nay đến tết, Cục sẽ kiểm tra gắt gao hơn tình hình gà nhập lậu, gà loại thải tại các cửa khẩu, chợ đầu mối, bởi theo kết quả kiểm nghiệm, 100% số mẫu gà thải loại được kiểm tra đều có tồn dư hai nhóm chất kháng sinh Sulfadiazin và Chloramphenicol với mức cao gấp 5-20 lần mức cho phép.

 

Đây là những loại kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bởi nếu người dân ăn phải thịt gà có dư lượng kháng sinh này trong một thời gian dài có thể tích tụ trong cơ thể gây đột biến gen. Trung bình mỗi năm có tới 8 triệu con gà thải loại. “Chúng tôi đã quyết tâm đạt mục tiêu: Hết tháng 2/2013, sẽ kiểm soát hoàn toàn tình hình gà “độc” này”- đại diện ngành y tế khẳng định.

Theo nongnghiep.vn

  • Từ khóa