Thứ 3, 26/11/2024, 12:49[GMT+7]

Điện lực thành phố: Lợi ích kép từ chuyển đổi số

Thứ 4, 27/10/2021 | 08:33:50
1,107 lượt xem
Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi số đã và đang được Điện lực thành phố Thái Bình triển khai với nhiều ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dịch vụ khách hàng, phát triển lưới điện và quản lý, vận hành hệ thống điện. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng điện năng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng cũng như đơn vị.

Khách hàng đăng ký lắp đặt công tơ điện mới trên hệ thống phần mềm.

Với phương châm “Khách hàng là trung tâm”, việc chuyển đổi số trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng đã được Điện lực thành phố triển khai đồng bộ, sáng tạo nhằm tối ưu hóa công tác chăm sóc khách hàng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kinh doanh điện năng. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ tiện ích, tiện lợi nhất nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng. Trước đây, đơn vị phải xử lý một lượng lớn hợp đồng mua bán điện nên việc quản lý, lưu trữ, tìm kiếm thông tin khách hàng gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay 100% hợp đồng mua bán điện đã được số hóa, qua đó giảm bớt khâu quản lý hồ sơ hợp đồng mua bán điện theo phương pháp truyền thống, giúp việc tra cứu thông tin của khách hàng thuận lợi, dễ dàng hơn. Ngoài ra, các dữ liệu này luôn có sẵn trên hệ thống quản lý, giúp lãnh đạo đơn vị ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt và kịp thời.

Để khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ về điện mọi lúc, mọi nơi trên điện thoại di động, Điện lực thành phố đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng qua website chăm sóc khách hàng, ứng dụng zalo... nhằm tăng tính tương tác giữa ngành điện và khách hàng. Cùng với đó, từ nhiều năm nay Điện lực thành phố đã quan tâm mở rộng liên kết thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với các ngân hàng và đối tác trung gian khác trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho khách hàng có thêm nhiều hình thức thanh toán. Đến nay, có 11 ngân hàng, 8 đối tác trung gian thực hiện việc thu hộ tiền điện. Với những dịch vụ, tiện ích mang lại, số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến ngày càng tăng, đồng thời tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc khách hàng trong thời điểm vừa thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vừa phải phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay. 

Chị Trương Thị Ly, tổ 6, phường Kỳ Bá cho biết: Trước đây, mỗi lần nộp tiền điện phải nhớ đúng ngày, đến đúng địa điểm để nộp, mất nhiều thời gian và có lúc còn quên lịch. Thế nhưng, những năm gần đây, tiền điện hàng tháng được thông báo trên zalo, tin nhắn SMS, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh trong một phút là đã thanh toán xong, rất tiện lợi. 

Trong điều kiện dịch Covid-19, anh Bùi Đình Nhì, tổ 4, phường Quang Trung chỉ việc ngồi tại nhà, vào Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện các thao tác như hướng dẫn là có thể đăng ký thành công hợp đồng công tơ điện mới. Hoặc đối với những người dân chưa thông thạo các thao tác trên máy tính, điện thoại thông minh, chỉ cần đăng ký nhu cầu lắp đặt công tơ điện mới, nhân viên ngành điện sẽ hỗ trợ tận nơi mà không cần nhiều giấy tờ như trước. 

Anh Bùi Đình Nhì chia sẻ: Chỉ sau 5 phút thực hiện các bước trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hợp đồng công tơ điện mới của gia đình tôi đã được thực hiện thành công.

Một trong những dấu ấn nổi bật trong lộ trình chuyển đổi số của Điện lực thành phố là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vận hành hệ thống điện như: triển khai việc kết nối các thiết bị đóng cắt trên lưới (Recloserm LBS) về Trung tâm điều khiển xa tại Công ty Điện lực Thái Bình, chương trình quản lý bản đồ lưới điện (GIS), quản lý nguồn điện và lưới điện (PMIS), chương trình tính toán mô phỏng lưới điện PSS/ADEPT 5.0, phần mềm quản lý mất điện (OMS) và giám sát an toàn (ECP)... đã mang lại hiệu quả cao, giảm được thời gian mất điện của khách hàng, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và bảo đảm vận hành lưới điện an toàn và ổn định, góp phần nâng cao năng suất lao động. 

Ngoài ra, Điện lực thành phố đang triển khai ứng dụng Flycam trong công tác kiểm tra lưới điện trung áp để sớm phát hiện khiếm khuyết, xử lý nhanh sự cố lưới điện, áp dụng việc rửa sứ hotline, chuẩn hóa thông tin khách hàng, chỉnh trang lưới điện theo tiêu chuẩn 5S, phối hợp với các nhà mạng bó cáp viễn thông đi chung cột với ngành điện... giúp công tác vận hành cấp điện được an toàn và xử lý sự cố cấp điện cho khách hàng nhanh nhất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Điện lực thành phố Thái Bình cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh một cách linh hoạt và có hiệu quả trong những năm qua đã giúp đơn vị giảm thiểu nhân lực, giảm chi phí vận hành doanh nghiệp, đồng thời tăng độ chính xác, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Với những nỗ lực và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, thời gian tới, Điện lực thành phố tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tích hợp công nghệ số vào mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh, quản lý kỹ thuật, góp phần quan trọng vào lộ trình chuyển đổi số của ngành điện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Nguyệt