Thứ 4, 24/07/2024, 18:22[GMT+7]

Đồ chơi, thực phẩm không rõ nguồn gốc - hiểm họa trường học

Thứ 5, 18/11/2021 | 19:07:18
1,263 lượt xem
Hiện nay, tại nhiều cổng trường học xuất hiện các xe đẩy bán hàng rong hoặc các cửa hàng bán đồ chơi, đồ ăn đa dạng về màu sắc, hương vị phục vụ học sinh. Tuy nhiên, phần lớn đều là những đồ chơi không rõ nguồn gốc, thực phẩm chưa qua kiểm nghiệm, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại phố Đào Nguyên Phổ, trước cổng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình).

Hiểm họa tiềm ẩn

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian gần đây, ở một số tỉnh, thành phố đã xảy ra hiện tượng trá hình ma túy tổng hợp rất tinh vi; gói ma túy được ngụy trang dưới dạng gói bột thực phẩm hoa quả pha uống, dạng kẹo... được bán tại khu vực gần trường học, gây tác hại khôn lường cho học sinh, sinh viên; gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn. 

Gần đây nhất, ngày 25/10/2021, một học sinh ở Trường THPT Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã mang một túi kẹo giống như kẹo dẻo đến trường để chia cho các bạn cùng ăn. Sau khi ăn, có 10 học sinh có biểu hiện ngộ độc, phải đưa đi cấp cứu; qua test nhanh, phát hiện 6 cháu dương tính với chất THC (một loại chất có trong cây cần sa). Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Công an thành phố Hạ Long phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành xác minh, bước đầu xác định: loại gói dạng thanh (giống kẹo dẻo) mà 13 học sinh ăn là một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Số thực phẩm chức năng này do một người thân của một học sinh đi Mỹ về cho từ lâu, do không có nhu cầu sử dụng nên gia đình cũng cất trong hộp đồ chơi và không để ý đến; không biết việc cháu học sinh lấy mang ra sử dụng.

Các hàng quán trước cổng THCS Kỳ Bá và Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) luôn thu hút học sinh mỗi giờ tan học. (Ảnh chụp trước ngày 10/11).

Tại Thái Bình, mặc dù thời gian qua chưa ghi nhận trường hợp học sinh bị ngộ độc bởi các đồ chơi, đồ ăn tại cổng trường, tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, các loại đồ chơi có chữ nước ngoài, đồ ăn không rõ nguồn gốc được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng đồ chơi, quán hàng rong vỉa hè khu vực cổng trường học. 

Theo ghi nhận trước khu vực cổng Trường Tiểu học Kỳ Bá và Trường THCS Kỳ Bá (đường Nguyễn Đình Chính, thành phố Thái Bình), vào giờ tan học, học sinh tập trung khá đông xung quanh một số xe bán đồ ăn di động và cửa hàng tạp hóa. Đủ các loại đồ ăn như: xúc xích, trà sữa, nước ngọt, bò viên chiên… Nhiều học sinh không ngần ngại cùng bạn bè mua và thưởng thức ngay tại cổng trường. Một số em chia sẻ, mua đồ ăn gần trường tiện, rẻ và ngon miệng. Không chỉ bán đồ ăn, hiện nay tại một số cửa hàng tạp hóa, bán đồ chơi còn bán cả các loại pop it, slime, con dấu, thậm chí là thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, thế nhưng có nhiều học sinh lại rất thích những đồ chơi này và có hiện tượng trở thành trào lưu trong học sinh.

Tăng cường công tác tuyên truyền và quản lý

Cô giáo Đặng Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Bá chia sẻ: Nhà trường quy định học sinh không mang đồ ăn lên lớp để tránh hiện tượng các em mua quà vặt đến ăn trong giờ học, vừa mất vệ sinh vừa ảnh hưởng đến trật tự lớp học.  Trường cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các em không mua đồ ăn vặt, nước uống bán ngoài cổng trường. Học sinh không ăn đồ ăn từ những xe hàng rong di động để bảo đảm an toàn sức khỏe, đặc biệt tránh bị mua phải những mặt hàng có chất gây nghiện, rất nguy hại cho bản thân. Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh kiểm soát tiền tiêu vặt của con em mình, không nên để các em tự ý mua những đồ ăn, đồ chơi gây hại cho sức khỏe. Để tăng cường quản lý an toàn giao thông, an ninh trật tự trước khu vực cổng trường, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương và tổ dân phố vận động người dân, nhất là những xe hàng di động không bán hàng trước khu vực cổng trường. 

Bà Bùi Duyên Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Bá thông tin: UBND phường đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực cổng trường học trên địa bàn phường. Đặc biệt, chỉ đạo Trạm Y tế phường trong những lần đi kiểm tra an toàn thực phẩm, tích cực tuyên truyền người dân có cửa hàng bán đồ chơi, đồ ăn nói không với đồ chơi, đồ ăn không rõ nguồn gốc để bảo đảm sức khỏe cho học sinh nói riêng và người mua nói chung.

Hiện nay, không chỉ khu vực cổng trường học mà tại nhiều nơi bán đồ chơi trẻ em, quà lưu niệm cũng bày bán các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Những đồ chơi này thường có màu sắc đẹp, rẻ bày bán tràn lan, tuy nhiên những đồ chơi này không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu sản xuất và thiếu tính an toàn. Theo một số kết quả giám định những sản phẩm này được sản xuất từ nhựa tái chế chứa hàm lượng cadimi độc hại đối với con người, đặc biệt đối với trẻ em. Trong thời gian vừa qua, vụ học sinh Đà Nẵng bị ngộ độc do chơi loại đồ chơi như vậy là lời cảnh báo đối với phụ huynh, học sinh. Những đồ ăn vặt tại các cổng trường cũng luôn thu hút học sinh bởi sự bắt mắt, màu sắc đẹp, rẻ, dễ ăn tuy nhiên những đồ ăn này phần lớn là tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng. Theo một số chuyên gia về sinh học và dinh dưỡng, trong thực phẩm này có chứa chất bảo quản gây hại cho sức khỏe cũng như nấm mốc, vi khuẩn, ký sinh trùng có thể phát triển khi chế biến, bảo quản không bảo đảm vệ sinh. Trong thời gian vừa qua cũng có trường hợp trẻ được nhập viện với triệu chứng nôn, tiêu chảy cấp nghi do ngộ độc thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh khuyến cáo: Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng,  không cho trẻ chơi những đồ chơi độc hại sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của trẻ. Để bảo đảm sức khỏe của trẻ, cần có sự chung tay từ các bậc phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương để những đồ chơi, đồ ăn độc hại không đến tay con em chúng ta.

                                                                     Đặng Anh

  • Từ khóa