Thứ 4, 24/07/2024, 16:29[GMT+7]

Những điểm sáng của ngành Công Thương

Thứ 6, 07/01/2022 | 08:41:09
443 lượt xem
Dịch bệnh kéo dài thời gian qua khiến các hoạt động kinh tế đứng trước khủng hoảng, lĩnh vực công nghiệp và thương mại của nhiều địa phương có mức tăng trưởng âm. Trong bối cảnh đó, ngành công thương Thái Bình vẫn duy trì sự phát triển với nhiều điểm sáng, thể hiện sự điều hành linh hoạt của các cấp ủy, chính quyền và sự quyết tâm, chung sức đồng lòng vượt khó của mỗi người dân, doanh nghiệp.

Năm 2021 là năm đầu toàn tỉnh thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn cầu. Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Trong nước, đợt dịch thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong tỉnh, dịch bùng phát tháng 11/2021 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp có người lao động dương tính với SARS-CoV-2 đã phải dừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ nhà máy. Tuy nhiên, lường đón được những khó khăn, tỉnh ta đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và thương mại vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng.

Việc nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 cả ở cộng đồng và trong doanh nghiệp là điều kiện thuận lợi giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, sự chỉ đạo sát sao trong hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn của tỉnh, của ngành và triển vọng phát triển kinh tế của tỉnh. Tính riêng 11 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp trên 700 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt trên 6.700 tỷ đồng; trong đó, đầu tư nước ngoài FDI là điểm sáng nổi bật với 4 dự án đăng ký, tổng mức đăng ký đầu tư đạt 412 triệu USD - lớn hơn tổng vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016 - 2020.

Lực lượng doanh nghiệp được bổ sung đáng kể cộng với việc UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư, thúc đẩy thi đua sản xuất tạo xung lực cho ngành công nghiệp phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 ước đạt 80.849 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020. Ông Đặng Đình Chương, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Qua phân tích, chúng tôi thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 17,8%. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện ô tô, sản xuất thép đều có mức tăng trưởng cao. Đây chính là tín hiệu phản ánh ngành công nghiệp của tỉnh đang từng bước phục hồi và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bất chấp những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào, phí vận chuyển và logistics tăng cao..., kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 ước đạt 2.069 triệu USD, tăng 23,5% so với năm 2020. Trong đó, lĩnh vực dệt may, da giày có kim ngạch xuất khẩu tăng cao do lợi thế các đơn hàng từ vùng dịch các tỉnh, thành phố phía Nam chuyển ra; giá sắt thép tăng cao doanh nghiệp hạn chế tiêu thụ nội địa mà đẩy mạnh xuất khẩu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thương mại nội địa cũng có bước tăng trưởng đáng kể với mức tăng 7,5% so với năm 2020, là một trong những tỉnh có tăng trưởng thương mại dương trong bình diện bình quân chung cả nước là -4,6%.

Các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch vừa thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH May Hưng Nhân.

Giám đốc Sở Công Thương Trần Huy Quân khẳng định: Có được những kết quả trên, ngành công thương đã chủ động, kiên trì thực hiện mục tiêu kép. Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp chỉ đạo và phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, Sở đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản; cung cấp thông tin về thị trường, đối tác tiềm năng, tình hình thông quan qua cửa khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thương mại điện tử để tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị trong công tác xúc tiến đầu tư và giải phóng mặt bằng, từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đây vừa là những kinh nghiệm vừa là những giải pháp để Sở Công Thương chỉ đạo, triển khai thực hiện, tiếp tục đưa ngành công thương của tỉnh tăng tốc trong năm 2022.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa