Thứ 4, 24/07/2024, 10:23[GMT+7]

Chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2022

Thứ 7, 30/04/2022 | 22:32:38
569 lượt xem
Hướng dẫn phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP; Sửa quy định về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán… là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5.

Ảnh minh hoạ.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đăng ký phân loại doanh nghiệp bằng 2 hình thức

Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT ban hành ngày 29/12/2021 quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, có hiệu lực từ ngày 1/5/2022.

Theo đó, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đăng ký phân loại với Cơ quan tiếp nhận bằng một trong hai hình thức sau:

- Hình thức trực tuyến: Doanh nghiệp truy cập vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử www.kiemlam.org.vn để đăng ký theo hướng dẫn của Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp.

- Hình thức trực tiếp:

+ Trường hợp doanh nghiệp không ứng dụng được Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc bưu điện 01 bộ hồ sơ tới Cơ quan tiếp nhận.

+ Cơ quan tiếp nhận nhập hồ sơ của doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp; thông báo đến doanh nghiệp kết quả tiếp nhận đăng ký phân loại doanh nghiệp theo; lưu trữ tài liệu đăng ký theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07/2022/TT-BCT ngày 23/3/2022 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo Thông tư, Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước Thành viên bị điều tra về việc nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá ít nhất 07 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước Thành viên bị điều tra về việc nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp ít nhất 20 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Khi có yêu cầu từ Chính phủ nước Thành viên liên quan, Cơ quan điều tra có nghĩa vụ cung cấp bản không bảo mật Hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp.

Về phương pháp tính toán biên độ bán phá giá: Khi tính toán biên độ bán phá giá theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, Cơ quan điều tra phải tính gộp tất cả các biên độ riêng lẻ, dù có kết quả dương hay âm, vào biên độ chung của mỗi nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Quy định này không hạn chế quyền của Cơ quan điều tra trong việc tính toán biên độ bán phá giá theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP…

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 8/5/2022.

Hướng dẫn quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTC ban hành ngày 6/4/2022 hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (gọi chung là viện trợ) thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước bao gồm:

Viện trợ hỗ trợ ngân sách cho ngân sách trung ương hoặc cho ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Viện trợ độc lập hoặc viện trợ kèm theo khoản vay cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương (bao gồm cả nhiệm vụ chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh), hoặc viện trợ trực tiếp cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh;

Viện trợ phi dự án để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, bao gồm cả chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp tỉnh, hoặc trực tiếp hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/5/2022.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa