Chủ nhật, 24/11/2024, 06:36[GMT+7]

25 năm thu hút 211 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Thứ 4, 27/03/2013 | 13:54:51
875 lượt xem
Tính đến hết tháng 2/2013, Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD.

Trong Báo cáo Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (kể từ năm 1987), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết khu vực kinh tế FDI ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

 

Tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế

 

Tỷ trọng đóng góp vào GDP tăng dần theo từng năm và đã đạt khoảng 19% vào năm 2011, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế (hiện chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội); làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012); đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001 - 2010, riêng năm 2012 đóng góp khoảng 3,7 tỷ USD).

 

Đầu tư nước ngoài đã có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tốc độ tăng trưởng của khu vực đầu tư nước ngoài bình quân đạt 18% năm, cao hơn tốc độ tăng chung toàn ngành. Trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp, đầu tư nước ngoài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu…

 

Trong dịch vụ, đầu tư nước ngoài đã tạo nên một số ngành dịch vụ chất lượng cao như viễn thông, du lịch quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán,…

 

Đầu tư nước ngoài góp phần tạo việc làm (hiện nay khu vực đầu tư nước ngoài tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3 - 4 triệu lao động gián tiếp), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động, góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý; thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước; đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực FDI còn có những hạn chế, tồn tại như hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, đối tác còn hạn chế; mục tiêu thu hút công nghệ, chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu; hiệu ứng lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế; một số dự án chất lượng chưa cao, quy mô dự án nhỏ, tỷ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu…

 

Hỗ trợ FDI tại chỗ là xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất

 

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thực tiễn kết quả 25 năm thu hút FDI cho thấy trước hết cần thống nhất từ nhận thức đến hành động ở các cấp về vị trí và vai trò của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế.

 

Thông qua đó, việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đang hoạt động tại Việt Namon> là phương thức có hiệu quả nhất trong việc xúc tiến đầu tư.

 

Đồng thời cần xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích liên quan đến đầu tư nước ngoài, gồm lợi ích của quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của người lao động và lợi ích của cộng đồng dân cư; thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư nhằm bảo đảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam.

 

Trong những bài học kinh nghiệm về thu hút FDI thời gian qua, Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng nâng cao năng lực phản ứng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; hướng tới phát triển bền vững phải trở thành xu thế chủ đạo trong hoạt động đầu tư nước ngoài.

 Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa