Thứ 5, 25/04/2024, 07:11[GMT+7]

Nỗ lực bảo đảm ổn định cung - cầu mặt hàng xăng dầu

Thứ 2, 14/11/2022 | 12:14:51
3,468 lượt xem
Mặc dù chưa rơi vào tình trạng căng thẳng cung ứng xăng dầu như Hà Nội hay một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước nhưng dự báo hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh sẽ gặp khó khăn nếu như các bộ, ngành liên quan không sớm có giải pháp. Nhằm ổn định thị trường mặt hàng này, các cơ quan chức năng của tỉnh và doanh nghiệp, thương nhân phân phối đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung, cùng chia sẻ khó khăn với nhau.

Cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Thịnh Hà (huyện Đông Hưng) nỗ lực duy trì hoạt động dù kinh doanh lỗ từ đầu năm đến nay.

Nguy cơ nhiều cửa hàng đóng cửa

Sáng ngày 8/11, chúng tôi có mặt tại cửa hàng xăng dầu Nam Hưng ở thôn Lộc Trung, xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải. Cửa hàng có 2 cột bơm xăng và 1 cột bơm dầu DO 0.05S. Chủ cửa hàng, chị Lê Thị Sang cho biết: Từ ngày 7/11, cửa hàng không còn dầu để bán nữa vì hết hàng, xăng thì bán cầm chừng cho các hộ dân vì lượng trữ trong bồn chứa cũng gần cạn. Chúng tôi đã gọi điện đặt nhập hàng từ nhà phân phối xăng dầu nhưng họ cũng báo đang gặp khó khăn nguồn cung, khi nào có hàng sẽ chở đến. Thực sự là cửa hàng đang dần cạn kiệt xăng dầu chứ không phải có hàng mà không bán.

Thiếu xăng dầu để kinh doanh cũng là thực trạng chung của nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Kiểm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Kiểm Linh (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải) cho biết: Cửa hàng bán lẻ xăng dầu của chúng tôi nhiều ngày nay cũng thiếu hàng để bán vì lượng nhập vào nhỏ giọt. Trước đây, khi nguồn cung dồi dào, mỗi tháng chúng tôi bán được từ 30 - 40 m3 xăng dầu nhưng nay giảm chỉ còn hơn 10m3/tháng vì không nhập được hàng. Nếu tình trạng không nhập được xăng, dầu như hiện nay kéo dài thì chúng tôi cũng phải cho nhân viên nghỉ việc và làm đơn đề nghị Sở Công Thương cho cửa hàng tạm dừng hoạt động. 

Còn ông Phan Quốc Toản, chủ cửa hàng xăng dầu Toản Hoa, thôn Vĩnh Trà, xã Nam Trung, huyện Tiền Hải cho biết: Tình trạng không nhập được hàng cứ như hiện nay thì cửa hàng chỉ hoạt động được 2 ngày nữa là treo cò bơm xăng. Và để chứng minh nguồn xăng dầu của cửa hàng sắp cạn kiệt, ông Toản đã mở họng bồn chứa xăng dầu, dùng thước đo lượng tồn hàng, kết quả xăng dầu trong mỗi bồn chỉ còn ở mức 20cm.

Không chỉ thiếu về nguồn nguyên liệu để bán, phần lớn các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn vì giá nhập vào cao, không còn chiết khấu dẫn đến càng kinh doanh càng thua lỗ. 

Ông Bùi Quang Hoan, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Quang Huy có cửa hàng xăng dầu Đông Long (xã Đông Long, huyện Tiền Hải) chia sẻ: Thiếu xăng dầu để duy trì bán cho khách hàng đã khó khăn, song chúng tôi còn phải chịu thêm cảnh bán ít lỗ ít, càng bán nhiều càng lỗ nhiều vì giá nhập xăng dầu vào hiện nay cao hơn giá bán lẻ. Cụ thể, nếu nhập xăng Ron 92, Ron 95 thì mỗi lít chúng tôi phải mua vào cao hơn giá bán lẻ khoảng 800 đồng; còn nhập dầu DO thì cao hơn 1.000 đồng. Trung bình từ đầu năm đến nay, mỗi tháng cửa hàng của chúng tôi kinh doanh lỗ 30 triệu đồng, chúng tôi quá mệt mỏi. Cứ đà kinh doanh lỗ sâu như này, chúng tôi cũng phải xin tạm dừng hoạt động.

 Nỗ lực bảo đảm đủ nguồn cung

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 105 thương nhân kinh doanh xăng dầu, trong đó có 1 thương nhân đầu mối, 3 thành viên của thương nhân đầu mối, 9 thương nhân phân phối, 2 tổng đại lý và 90 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Mặc dù kinh doanh xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp, thương nhân vẫn nỗ lực duy trì nguồn xăng dầu để phục vụ khách hàng, chưa để xảy ra tình trạng đóng cửa. 

Anh Phạm Ngọc Tân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Thịnh Hà (Đông Hưng) cho biết: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phải nhập xăng dầu với giá cao hơn mức bán lẻ khiến cho mua bán càng nhiều càng lỗ nặng. Nhưng để cung cấp, giữ chân đối tác khách hàng với hy vọng khó khăn sớm đi qua nên chúng tôi vẫn phải cố gắng duy trì và chờ đợi. Hiện tại Công ty cố gắng bảo đảm đủ xăng cấp cho các cửa hàng trong hệ thống của Công ty.

Thái Bình có 2 kho xăng dầu với tổng sức chứa 75.000m3, trong đó kho xăng dầu Hải Hà của Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà sức chứa 63.000m3, kho trung chuyển Thái Bình của Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Thái Bình sức chứa 12.000m3

Theo bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay nguồn cung xăng dầu phục vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm. Qua làm việc và kiểm tra tại một số thương nhân phân phối lớn như Hải Hà, PV Oil Thái Bình, Petrolimex Thái Bình, các doanh nghiệp này cho biết đã tăng lượng nhập hàng đáp ứng đủ lượng xăng dầu cho thị trường của tỉnh. Tuy nhiên, việc giá chiết khấu xăng dầu thấp khiến cho hoạt động kinh doanh bị thua lỗ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cửa hàng xăng dầu Nam Hưng (huyện Tiền Hải) thông báo hết hàng đối với mặt hàng dầu DO.

Trao đổi với lãnh đạo Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường được biết, hiện nay, hai đơn vị này đang huy động lực lượng đi nắm bắt tình hình, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng động viên các thương nhân, cửa hàng kinh doanh xăng dầu nỗ lực duy trì bán hàng, không để xáo trộn thị trường ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm.

Khắc Duẩn