Thứ 7, 27/04/2024, 09:56[GMT+7]

Công Thương Thái Bình: Thích ứng và phát triển

Thứ 3, 20/12/2022 | 21:41:46
3,586 lượt xem
Năm 2022 là năm khó khăn của ngành công thương do tác động của dịch bệnh, thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và đạt những kết quả rất đáng phấn khởi, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công thương.

Hạ tầng thương mại ngày càng hiện đại đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Siêu thị Go Thái Bình thu hút người dân đến tham quan, mua sắm.

Đồng chí Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Vượt lên những khó khăn, người dân, doanh nghiệp đã thích ứng nhanh để duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng so với năm 2021. Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng bứt phá, một số dịch vụ như lưu trú, ăn uống có sự tăng trưởng khởi sắc, hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao so với năm 2021. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 ước đạt 95.614 tỷ đồng, tăng 17%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 59.613 tỷ đồng, tăng 19,6%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.426,7 triệu USD, tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.095 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại của tỉnh đều có mức tăng cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước.

Để đạt được những kết quả ấn tượng đó, bên cạnh thực hiện tốt công tác quản lý phát triển cụm công nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng, thu hút dự án thứ cấp vào hoạt động, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn công tác của tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại Bắc Âu, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, bước đầu cho kết quả đáng phấn khởi với một số đơn hàng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào thị trường châu Âu. Sở Công Thương cũng chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022 trực tiếp tại Thái Bình với 11 tỉnh, thành phố tham dự trực tiếp và kết nối với 18 điểm cầu trực tuyến trong nước, 19 điểm cầu trực tuyến quốc tế góp phần quảng bá sản phẩm hàng hóa của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân, doanh nghiệp.

Sản xuất tại Công ty TNHH Logitex, cụm công nghiệp Vũ Ninh (Kiến Xương).

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thời gian qua Sở Công Thương cũng triển khai kịp thời, hiệu quả công tác khuyến công, khuyến thương, thương mại điện tử. Năm 2022, Sở Công Thương thực hiện 24 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng; 27 chương trình, đề án khuyến thương với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Duy trì sàn thương mại điện tử của tỉnh, cập nhật thông tin các sản phẩm OCOP lên sàn; hiện nay đã có 257 gian hàng với hơn 2.000 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh được trưng bày, quảng bá trên sàn với hơn 11.600 lượt truy cập. Ông Trần Quý Nam, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Behena (Vũ Thư) cho biết: Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Công ty đã xây dựng và vận hành hiệu quả website của doanh nghiệp và đưa các sản phẩm mới lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, bán hàng. Mở rộng được thị trường, doanh thu bán hàng tăng trưởng nhanh chóng nên Công ty yên tâm tập trung và mở rộng quy mô sản xuất.

Nhiều người dân, doanh nghiệp đánh giá cao hoạt động cải cách thủ tục hành chính của Sở Công Thương. Hiện nay, Sở có 109 thủ tục hành chính được giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; duy trì thực hiện 71 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đều bảo đảm nhanh chóng, chính xác, đúng quy định, đơn giản hóa giao dịch đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.

Năm 2023 dù dự báo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ngành công thương kỳ vọng sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ. Toàn ngành phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến đạt 113.950 tỷ đồng, tăng 19,2%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự kiến đạt 65.600 tỷ đồng, tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2.669 triệu USD, tăng 10% và kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 2.295 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2022. Giám đốc Sở Công Thương Trần Huy Quân cho biết thêm: Để đạt được các mục tiêu đó, chúng tôi đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2023. Trong đó, toàn ngành tiếp tục tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nhằm thu hút nhiều dự án thứ cấp có chất lượng, quy mô lớn vào hoạt động. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, khai thác tối đa điều kiện thuận lợi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thực hiện hiệu quả đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phát triển chợ đầu mối, các loại hình dịch vụ logistics, đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khắc Duẩn