Thứ 2, 25/11/2024, 14:43[GMT+7]

Hàng hóa dồi dào, giá tăng nhẹ

Thứ 6, 27/01/2023 | 09:07:57
4,473 lượt xem
Ngày mùng 4 Tết Quý Mão, hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn đã mở cửa trở lại, bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Nhìn chung, hàng hóa dồi dào, giá tăng nhẹ so với ngày thường.

Siêu thị Lotte mart Cần Thơ dồi dào hàng hóa trong ngày mồng 4 Tết Quý Mão- 2023. (Ảnh: Quốc Dũng)

Tại Hà Nội, tại các chợ dân sinh, giá các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống tăng từ 10-20% so với ngày thường. Các loại hoa quả khá hút khách, quả thanh long có giá 45 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg, xoài Cát Chu từ 55 nghìn đến 80 nghìn đồng/kg; xoài keo 40 nghìn đồng/kg, phật thủ từ 30-150 nghìn đồng/quả tuỳ loại…

Giá hoa tươi vẫn giữ ở mức cao so với ngày thường, nhưng đã giảm so với những ngày sát Tết. Giá hoa cúc vàng từ 80 đến 100 nghìn đồng/chục; hoa lay-ơn từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/chục… Giá các loại rau, củ giá không có nhiều biến động.

Chị Nguyễn Thị Thủy (ở ngõ Đông Các, quận Đống Đa) cho biết: “Mấy năm gần đây tôi không tích trữ nhiều đồ ăn do nhiều người bán thực phẩm tươi sống từ mùng 2, mùng 3 Tết. Giá có cao hơn ngày thường một chút, nhưng ngày đầu năm mới nên tôi cũng không mặc cả”.

Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại như Big C, Aeon… đã mở cửa từ mùng 2 Tết. Hệ thống siêu thị Go!, BigC, Tops Market của Central Retail mở cửa từ 10 giờ đến 22 giờ; hệ thống siêu thị Aeon mở cửa bình thường từ 8 giờ đến 22 giờ…

Trong siêu thị, các loại rau xanh, trái cây… khá phong phú, nhưng số lượng khách mua không nhiều. Giá các mặt hàng tại đây ổn định, ngoài ra siêu thị còn có thêm một số chương trình khuyến mại hấp dẫn. Bên cạnh đó, 123 cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K trên địa bàn Hà Nội hoạt động xuyên Tết, bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp nghỉ Tết.

Đánh giá chung về đợt phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, phong phú, nhiều chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến, không có tình trạng khan hàng sốt giá…

Trong những ngày Tết, không có tình trạng tăng giá đột biến tại các siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhu cầu mua sắm Tết của người dân Đà Nẵng được ghi nhận ở mức vừa phải so với lượng hàng hoá dồi dào được tung ra thị trường phục vụ Tết.

Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Đà Nẵng tăng 20-30%, tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 2.300 tỷ đồng… Đặc biệt, nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, Sở Công thương Đà Nẵng đã phối hợp các doanh nghiệp phân phối thực phẩm tổ chức 18 điểm bán thịt heo bình ổn từ ngày 18/1 (27 tháng Chạp).

“Ngành công thương đã thành lập các tổ theo dõi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết và giám sát bán hàng bình ổn Tết; Phối hợp Cục Quản lý thị trường thành phố, các đơn vị liên quan theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình, thông tin thị trường; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường”, bà Phương thông tin thêm.

Sáng mùng 4 Tết, hầu hết các chợ, các siêu thị ở Đà Nẵng mở cửa phục vụ người dân, bán rau xanh, thịt heo, thịt bò, cá, trái cây với giá ổn định. Tại chợ đầu mối Hoà Cường, lượng hàng nhập chợ ít, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây, sức tiêu thụ khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Các tiểu thương tại các chợ cho hay, giá thực phẩm không tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng tăng giá mạnh là rau xanh. Từ chiều 24/1 (mồng 3 Tết), thời tiết tại Đà Nẵng chuyển mưa lạnh, người đi chợ chủ yếu mua rau, củ, trái cây, hoa…

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Nguyên Trang)

Chị Hoàng Thị Thu (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: “Sáng nay tôi ghé chợ Đống Đa mua trái cây, hoa và rau xanh. So với ngày bình thường thì rau có đắt hơn. Khoảng vài ba ngày nữa chợ sẽ họp đông hơn và hàng hóa sẽ dồi dào trở lại”.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống đã mở cửa phục vụ người dân từ sáng mùng 2 Tết (ngày 23/1). Tuy vậy, trong hai ngày 23 và 24/1, lượng khách đi mua sắm rất ít. Nhờ Chương trình bình ổn thị trường giá, cho nên phần lớn những mặt hàng lương thực, thực phẩm… trên địa bàn thành phố giá vẫn ổn định, không tăng giá so với ngày thường; một số mặt hàng còn có các chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Hàng hóa dồi dào phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại siêu thị Go! Đà Nẵng. (Ảnh: Anh Đào) 

Trong sáng 25/1, tại các chợ truyền thống và siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, lượng người đi mua sắm hàng hóa vẫn thưa thớt so với ngày thường. Người dân chủ yếu mua hoa để chưng bàn thờ và thực phẩm tươi sống. Tại các siêu thị Co.opmart, các mặt hàng thực phẩm đều được bán với giá bình ổn, một số mặt hàng còn được giảm giá khá mạnh. Chẳng hạn, các mặt hàng được chế biến từ thịt heo và thịt bò thương hiệu Vissan và Hoàng Anh Thy được giảm giá từ 5% đến 30%. Chương trình giảm giá này được kéo dài đến ngày 31/1 (mùng 10 Tết). Các mặt hàng rau, củ, quả như: cà rốt Đà Lạt, bắp cải trái tim, củ cải trắng, dưa leo, cà chua… được giảm giá từ 32% đến 47%.

Tại chợ truyền thống, giá cả các mặt hàng biến động khác nhau tùy khu vực. Chị Nguyễn Kim Thủy ở đường Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận cho biết: Sáng 25/1, tôi đi chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) thì thấy giá cả nhiều mặt hàng có tăng nhẹ so với trước Tết, nhưng mức tăng không đáng kể. Riêng các loại hoa thì không tăng giá.

Người dân chọn mua trái cây tại chợ Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, sáng mùng 4 Tết. (Ảnh: Hoàng Liêm)

Sáng 25/1, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho biết, giá cả các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn những ngày đầu năm Quý Mão tăng nhẹ, từ 3 đến 5%. Trong khi đó, sức mua giảm từ 10 đến 15% so với cùng kỳ năm trước. Để ổn định giá các mặt cũng như số lượng hàng hóa cung ứng cho đợt Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã làm việc với 27 đầu mối cung ứng, kinh doanh, yêu cầu bảo đảm nguồn cung và dự trữ tổng giá trị lên đến 1.100 tỷ đồng.

Đến sáng mùng 4 Tết, toàn bộ các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường. Ghi nhận thực tế tại siêu thị Lotte mart trên đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, hàng hóa dồi dào, các mặt hàng thực phẩm rất phong phú, nhưng lượng người đến mua sắm khá ít.

Theo chia sẻ của nhân viên siêu thị, do Lotte mart mở cửa hoạt động đến trưa 30 tháng Chạp (ngày 21/1/2023), người dân đã mua đủ lượng hàng hóa thiết yếu, cho nên nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết chưa nhiều.

Các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Cần Thơ gần như mở cửa bán xuyên Tết. Theo ghi nhận tại chợ Xuân Khánh, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, giá các mặt hàng thịt cá, rau quả tăng từ 10-15% mà vẫn khá đắt hàng. Các mặt hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết, trái cây được tiểu thương bày bán tại các ki-ốt đường 30/4 thu hút rất đông khách.

Theo Nhân Dân